Mặc dù đang là một trong các nước đối phó tốt nhất với đại dịch Covid-19 hiện nay tại châu Âu nhưng giới chức y tế Đức cảnh báo nước này không thể loại trừ khả năng phải đối mặt với một kịch bản tồi tệ như tại Italy hay Tây Ban Nha, khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.

covid_o_duc_byjo.jpg
Đức là một trong các nước đối phó tốt nhất với đại dịch Covid-19 hiện nay tại châu Âu (Ảnh: DW)

Trả lời phỏng vấn tờ Nhật báo Frankfurt ngày 29/03, Chủ tịch Viện Robert Koch, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh liên bang Đức, Giáo sư  Lothar Wieler cho rằng, nước Đức mới bước vào giai đoạn đầu của đại dịch và những gì nghiêm trọng nhất vẫn còn đang ở trước mắt.

Theo ông Wieler, dù Đức là một trong những nước có hệ thống y tế tốt nhất và có số lượng máy thở cũng như số giường điều trị tăng cường lớn nhất châu Âu (28.000), nhưng có thể đến một thời điểm nào đó, số bệnh nhân Covid-19 tại Đức sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của số trang thiết bị y tế này.

Nhận định này được ông Lothar Wieler đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Đức đang tiếp tục tăng rất cao. Tính đến hết ngày 29/3, Đức đã có 58.257 ca nhiễm Covid-19, cao thứ 5 trên thế giới.

Với 455 bệnh nhân thiệt mạng, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức thuộc nhóm thấp nhất châu Âu. Dù vậy, ông Wieler cho rằng không nên quá coi trọng con số này bởi các nước châu Âu khác như Italia hay Pháp thực hiện ít xét nghiệm hơn Đức rất nhiều.

Điều quan trọng hơn, như ông Lothar Wieler cảnh báo, đó là Covid-19 là một đại dịch toàn cầu và sẽ có những làn sóng dịch ập đến nhiều lần chứ không phải một lần, và nước Đức cần hết sức thận trọng nếu muốn gỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội như hiện nay.

Quan điểm này được các quan chức cấp cao Đức chia sẻ. Cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, Đức sẽ không nới lỏng các lệnh cấm cho đến ít nhất là ngày 20/4.

Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn cũng khẳng định, chừng nào đại dịch chưa có dấu hiệu chậm lại, sẽ chưa thể bàn đến chuyện nới lỏng.

“Thông điệp ở đây rất rõ ràng: nước Đức có thể sẽ bàn chuyện nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh, nếu tất cả người Đức tuân thủ các biện pháp này cho đến khi đó. Đây là điều cực kỳ quan trọng, vì trước tiên là đà lây lan của dịch bệnh hiện nay cần phải chậm lại”, Bộ trưởng Y tế Đức nhấn mạnh.

Trong lúc này, khi sức ép đối với hệ thống y tế tại Đức chưa cao, Đức tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực trợ giúp các nước khác tại châu Âu đang bị đại dịch Covid-19 tàn phá.

Trưa ngày 29/3, một chiếc máy bay vận tải quân sự Airbus A400M của Không quân Đức hạ cánh xuống sân bay Strasbourg, miền Đông nước Pháp để chở các bệnh nhân Pháp về nước điều trị.

Từ hơn một tuần qua, các bang tại Đức cũng đã nhận các bệnh nhân từ miền Bắc Italia và sắp tới sẽ nhận thêm các bệnh nhân người Hà Lan. Đức cũng đã cho các bệnh viện tại Pháp và Italia mượn các máy thở cũng như một số trực thăng của quân đội Đức để vận chuyển người bệnh./.