Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama sáng 11/9 về kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria đang nhận được những ý kiến trái chiều của dư luận Mỹ. Tuy nhiên, nhìn chung, bài phát biểu này hầu như không tạo ra nhiều hiệu ứng khi các chính khách tiếp tục bảo lưu quan điểm trước đó còn tỷ lệ người dân Mỹ phản đối tấn công Syria vẫn chiếm 50%.

phan-doi-chien-tranh-syria.jpg
Dân Mỹ biểu tình phản đối can thiệp quân sự vào Syria (Ảnh: Press TV)

Một trong những nghị sỹ đầu tiên đưa ra phản ứng sau bài phát biểu của Tổng thống Obama là Thượng nghị sỹ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Nghị sỹ Menendez nói rằng, dù vẫn còn hoài nghi về khả năng đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria nhưng ông cho rằng sẽ là sai lầm khi đóng cửa khả năng đó ngay lúc này. Theo ông Menendez, giải pháp ngoại giao cần song hành với kế hoạch sử dụng vũ lực.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers cũng bày tỏ hy vọng vào một giải pháp ngoại giao, song nghi ngờ bất kỳ đề xuất nào do phía Nga đưa ra cũng như động cơ phía sau tuyên bố chấp thuận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Theo ông Rogers, Tổng thống Obama vẫn cần nhanh chống hoạch định và thực thi một chiến lược chặt chẽ để giải quyết tất cả các mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng tại Syria.

Trong một tuyên bố chung, hai Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham và John McCain, đánh giá cao việc Tổng thống Obama phát biểu trực tiếp với người dân Mỹ nhưng lấy làm tiếc là ông Obama đã không nêu bật được sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria. Theo hai Thượng nghị sỹ này, ông Obama cũng không đưa ra được một kế hoạch rõ ràng hơn để thử tính nghiêm túc trong đề xuất của Nga và Syria về việc giao nộp vũ khí hóa học của chế độ Assad cho cộng đồng quốc tế.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Rand Paul, một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất kế hoạch can thiệp quân sự, nói rằng một cuộc tấn công hạn chế mà Tổng thống Obama đề cập trong bài phát biểu sẽ gây thiệt hại không đáng kể cho chế độ Assad. Theo ông Rand Paul, lý do can thiệp vào Syria mà Tổng thống Obama đưa ra cũng rất thiếu thuyết phục: “Tôi sẽ bỏ phiếu chống và kêu gọi các đồng nghiệp làm điều tương tự. Tổng thống Obama đã không đưa ra một bài phát biểu thuyết phục rằng các lợi ích của Mỹ đang bị đe dọa tại Syria. Lý do để bước vào một cuộc chiến là vấn đề hệ trọng”.

Ủy ban Chiến dịch thay đổi tiến bộ, một tổ chức thiên tả đánh giá tích cực về bài phát biểu và nhận định rằng sức ép dư luận đã có hiệu quả khi Tổng thống Obama tỏ ý ủng hộ giải pháp ngoại giao.

Dù tán thành việc can thiệp vào Syria với mục đích nhân đạo nhưng phần lớn người Mỹ đều phản đối giải pháp quân sự. Ông Raj Thanadi, công dân bang New Jersey bày tỏ: “Tình hình tại Syria hiện quá nguy hiểm để có thể bỏ mặc. Chúng ta có trách nhiệm đạo đức trong việc giải quyết vấn đề tại đây nhưng hy vọng rằng điều đó không dẫn đến hành động quân sự. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải hành động. Tôi nghĩ rằng không chỉ có Mỹ mà một số nước khác trên thế giới cũng có trách nhiệm tương tự”.

Trong khi đó, ông Joe Toscano, một công dân bang Washington cho rằng: “Sự kiện tại Iraq đã chứng minh rằng đôi khi ngành tình báo của chúng ta không phải lúc nào cũng đưa ra câu trả lời đúng. Tôi nghĩ cần theo đuổi tất cả các giải pháp có thể trước khi thực thi hành động quân sự. Tôi nghĩ trong tình hình hiện tại thì chính quyền Obama cần lắng nghe Quốc hội, các nhà lãnh đạo khác trên thế giới và cần thận trọng trước khi có bước đi tiếp theo”.

Theo kết quả thăm dò của CNN ngay sau bài phát biểu, 60% số người được hỏi ủng hộ cách tiếp cận đối với Syria mà Tổng thống Obama đề cập. 47% cho rằng bài phát biểu của ông Obama đã đưa ra những luận điểm thuyết phục đối với kế hoạch tấn công Syria trong khi 50% có ý kiến trái ngược.

Gần 2/3 số người theo dõi bài phát biểu cho rằng tình hình tại Syria nhiều khả năng sẽ được giải quyết thông qua các nỗ lực ngoại giao. Kết quả thăm dò cũng cho thấy bài phát biểu của Tổng thống Obama đã không tác động nhiều tới quan điểm của người Mỹ về việc liệu chính quyền Obama có đạt được những mục tiêu của mình khi tấn công Syria hay không.

Sau bài phát biểu, số người đồng tình chỉ tăng lên 36% so với 33% trước đó. Số người cho rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc can thiệp vào Syria tăng từ 30% lên 39%, trong khi ý kiến phản bác vẫn chiếm tới 60%./.