Syria đã chấp nhận đề xuất bàn giao vũ khí hóa học và đặt dưới sự kiểm soát của quốc tế, Ngoại trưởng Syria cho biết hôm nay (thứ Ba 10/9).

Động thái này là một phần trong các hoạt động ngoại giao nhằm ngăn chặn hành động can thiệp quân sự của phương Tây. Phát biểu tại Moscow, Ngoại trưởng Syria Walid al- Moallem cho biết chính phủ của ông nhanh chóng đồng ý với kế hoạch nhằm "ngăn chặn sự xâm lược của Mỹ" - ám chỉ khả năng tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu. Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đổ lỗi cho chính phủ của Tổng thống Assad phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hàng trăm người thiệt mạng hôm 21/8. Song Tổng thống Syria Bashar Assad đã bác bỏ lời cáo buộc.

syria.jpg
Ngoại trưởng Syria Walid al- Moallem (Ảnh AFP)

Nga, quốc gia đồng minh mạnh nhất của Syria, hiện đang bàn thảo với Damascus chuẩn bị một kế hoạch hành động chi tiết sẽ sớm được trình bày, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết. Tiếp sau đó Nga sẽ sẵn sàng để “chốt” phương án với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

Tuyên bố ngắn gọn của Ngoại trưởng Syria al- Moallem thể hiện sự dứt khoát hơn thái độ của ông một ngày trước đó, khi ông nói rằng Damascus hoan nghênh sáng kiến ​​của Nga. Ông không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về cách Syria có thể thực hiện.

Các quan chức phương Tây tỏ ra thận trọng về khả năng Syria thực hiện chiến thuật trì hoãn hoặc nỗ lực để “lách” khỏi áp lực quốc tế.

Pháp đưa ra 3 điều kiện đối với đề xuất của Nga: cam kết về quản lý và giải giáp vũ khí phải mang tính cưỡng chế, kho vũ khí của Syria phải bị phá hủy và những kẻ gây vụ tấn công hóa học ngày 21/8 phải bị đưa ra xử tại Tòa án hình sự quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius khẳng định thái độ cứng rắn của Pháp và Mỹ đã phát huy tác dụng.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius phát biểu tại cuộc họp báo tại Paris (Ảnh AP)

Hôm thứ Hai (9/9), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông Assad có thể giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách chuyển giao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học của mình cho cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Nga Lavrov đáp lại yêu cầu này bằng cách hứa sẽ thuyết phục Syria bàn giao kho vũ khí dưới sự kiểm soát của quốc tế và sau đó sẽ nhanh chóng dỡ bỏ nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự của Mỹ. Trung Quốc cũng bày tỏ ủng hộ kế hoạch này.

Tổng thống Barack Obama cho biết hôm thứ Hai rằng đề xuất của Nga có thể là "một bước đột phá quan trọng", nhưng ông vẫn hoài nghi rằng Syria sẽ đồng ý và tiếp tục nỗ lực thuyết phục Quốc hội thông qua việc cho phép tấn công quân sự.

Tại Bắc Kinh, phát biểu về đề xuất của Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Nếu giải pháp này giúp giảm bớt căng thẳng, giúp duy trì hòa bình và ổn định tại Syria và khu vực, và giúp giải quyết các vấn đề chính trị, thì cộng đồng quốc tế nên xem xét giải pháp này một cách tích cực".

Chủ tịch Liên đoàn Arab, ông Nabil Elaraby cũng bày tỏ sự ủng hộ đề xuất của Nga, ông nói với các phóng viên báo chí rằng, Liên đoàn luôn ủng hộ một "giải pháp chính trị". Liên đoàn đã chỉ trích Chính phủ Syria về vụ tấn công, nhưng tổ chức này cũng không ủng hộ sự can thiệp quân sự mà không được Liên Hợp Quốc thông qua.

Pháp và Mỹ là hai cường quốc phương Tây đã lớn tiếng nhất kêu gọi hành động quân sự chống lại chế độ Assad sau cuộc tấn công vũ khí hóa học, nhấn mạnh rằng Hiến chương quốc tế chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học cần phải được thực thi./.