Liên minh giữa các lực lượng đối lập tại Yemen dường như đã chứng kiến sự đổ vỡ khi cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh tuyên bố sẵn sàng đàm phán với liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu. Liệu đây có phải cơ hội cho hòa bình cho quốc gia Trung Đông này hay không?

saleh_ontc.jpg
Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Ảnh: Reuters

Câu trả lời dù còn phụ thuộc vào việc các bên sẽ nắm bắt cơ hội này theo cách như thế nào, song rõ ràng đây là điều mà người dân Yemen mong đợi từ lâu, đó là hy vọng sẽ có một bên “lùi bước” để khủng hoảng có thể chấm dứt.

Phát biểu trên truyền hình ngày 2/12, cựu Tổng thống Saleh hôm qua kêu gọi các quốc gia láng giềng ngừng leo thang căng thẳng và dỡ bỏ lệnh phong tỏa để có thể “sang trang” mối quan hệ giữa các bên.

Ông Saleh cam kết tiến hành đối thoại trực tiếp với các nước thông qua một kênh hợp pháp đại diện cho Quốc hội Yemen, sau khi liên quân thực thi lệnh ngừng bắn và dỡ bỏ lệnh phong tỏa áp đặt hồi đầu tháng trước.

“Tôi kêu gọi các quốc gia láng giềng và liên minh Arab dỡ bỏ lệnh phong tỏa, mở cửa các sân bay, tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Hãy cùng nhau tạo dựng một trang mới và bắt đầu đối phó một cách tích cực với những gì đang diễn ra tại Yemen.

Chúng tôi cam kết, sau khi việc ngừng bắn được thực hiện, các sân bay được mở cửa và lệnh phong tỏa chấm dứt, chúng tôi sẽ tham gia đàm phán ngay lập tức”, ông Saleh nói.

Phản ứng trước tuyên bố của cựu Tổng thống Saleh, phiến quân Houthi cáo buộc ông này đang tiến hành “lật đổ” chính liên minh vốn khá mong manh giữa hai bên.

Trong khi đó, liên quân Arab hoan nghênh nỗ lực “đi đầu” của ông Saleh tại Yemen, cho rằng, lựa chọn đàm phán với liên quân sẽ giúp quét sạch phiến quân tại quốc gia nghèo nhất thế giới Arab này.

Những tuyên bố trên được cựu Tổng thống Saleh đưa ra sau nhiều ngày căng thẳng gia tăng giữa phiến quân Houthi và lực lượng trung thành với ông Saleh ở thủ đô Sanaa và đã bước sang ngày thứ 4 liên tiếp. Liên minh này trên thực tế đã có dấu hiệu rạn rứt trong nhiều tháng qua, chủ yếu do không thống nhất được những vấn đề liên quan tới quyền lực.

Theo các nhà phân tích, đây có thể xem là cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Yemen. Bởi trên thực tế, Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh “bắt tay nhau” kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tuy nhiên, liệu cơ hội này có được các bên tận dụng hay không lại là vấn đề khác.

Nằm ở phía Nam bán đảo Arab, nước Cộng hòa Yemen là một quốc gia còn khá trẻ ra đời năm 1990 khi hai miền Bắc và Nam Yemen tái thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ali Abdallah Saleh.

Trong tổng số 27 triệu người dân Yemen, chiếm phần lớn là người Hồi giáo dòng Sunni chủ yếu sống ở miền Bắc và cộng đồng người Zaidi, một nhánh thiểu số của người Hồi giáo dòng Shitte, trong đó có người Houthi. 

Lịch sử và cơ cấu dân số này đã phần nào nói lên tình hình phức tạp tại Yemen, cùng với đó là cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo giống như nhiều quốc gia khác tại khu vực.

Bùng phát từ năm 2011, cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Yemen với nhóm phiến quân người Houthi và các lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Saleh đã đưa đất nước vào một giai đoạn bất định, mở đường cho các lực lượng nước ngoài can thiệp vào quốc gia Trung Đông này. 

Ba vòng đàm phán đã được tổ chức giữa Chính phủ Yemen và nhóm phiến quân Houthi kể từ khi cuộc xung đột bùng phát và mới đây nhất là vào tháng 4/2016 tại Kuwait, song đều không đạt kết quả. Liên Hợp Quốc mới đây đã đánh giá đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Theo các nhà phân tích, lý do khiến cuộc khủng hoảng tại Yemen dai dẳng tới nay là bởi cũng giống như Syria, nó đã không chỉ còn là một cuộc nội chiến nữa, mà đã trở thành một cuộc chiến sắc tộc, một cuộc chiến ủy nhiệm, với sự tham gia của nhiều quốc gia khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia và Iran. Đây cũng là mặt trận điển hình cho nhiều cuộc đụng độ khác đang diễn ra tại khu vực này./.