Trưa nay (23/1), Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan đã tiến hành bỏ phiếu kín về việc bãi nhiệm đối với cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak, cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom.

ying_wwyz.jpgCựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters)
Theo kết quả bỏ phiếu được đại diện Hội đồng lập pháp quốc gia công bố: Trong tổng số 220 thành viên Hội đồng lập pháp quốc gia, có 219 người có mặt tham gia bỏ phiếu. Cựu Thủ tướng Yingluck đã bị bãi nhiệm và sẽ bị cấm hoạt động chính trị 5 năm; Cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom không bị bãi nhiệm.

Cùng ngày, đại diện Viện Công tố tối cao Thái Lan cũng đã thông báo quyết định truy tố hình sự đối với cựu Thủ tướng Yingluck vì bị cáo buộc trong thời gian cầm quyền, bà đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình thu mua gạo của nông dân, gây thiệt hại lớn về tài chính của nhà nước. Dự kiến, trong tháng 3 tới, hồ sơ truy tố cựu Thủ tướng Yingluck sẽ được gửi tới Tòa án tối cao xem xét.

Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đã có những phản ứng khác nhau về kết quả bãi nhiệm này. Một bộ phận ủng hộ việc Hội đồng lập pháp quốc gia bãi nhiệm đối với các cựu quan chức chính trị; song đảng Vì nước Thái và lực lượng ủng hộ dân chủ Thái Lan cho rằng, việc bãi nhiệm này là nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị quan trọng.

Hội đồng lập pháp quốc gia không có cơ sở pháp lý rõ ràng và không có tính chính đáng để bãi nhiệm các cựu quan chức chính trị, vì Hiến pháp Thái Lan năm 2007 đã bị hủy bỏ và Hội đồng lập pháp quốc gia là cơ chế do Ban lãnh đạo đảo chính quân sự lập ra./.