Ai Cập hôm nay (15/1) bước sang ngày thứ 2 của cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới. Cuộc trưng cầu ý dân lần này được coi là cột mốc quan trọng trong lộ trình tương lai của quốc gia Bắc Phi vốn đang ngập trong khủng hoảng chính trị nghiêm trọng này.
Người dân Ai Cập tham gia bỏ phiếu trung cầu ý dân ở thủ đô Cairo (Ảnh: Getty Images) |
Trong ngày đầu tiên, cuộc trưng cầu ý dân không có dấu hiệu về một chiến dịch chống lại dự thảo Hiến pháp như tuyên bố trước đó. Mặc dù vấp phải sự phản đối của Tổ chức Anh em Hồi giáo, nhưng đại đa số người dân Ai Cập đều ủng hộ bản hiến pháp mới.
Một người dân Ai Cập bày tỏ: “Tôi thấy rằng, Hiến pháp này phục vụ người khuyết tật. Mặc dù tôi không phải là người khuyết tận nhưng tôi cũng bỏ phiếu ủng hộ bản hiến pháp mới này, vì điều này rất có ý nghĩa.”
Một người dân khác cho hay: "Tôi ở đây để ủng hộ bản hiến pháp mới. Mọi người xếp hàng dài để chờ đợi được bỏ phiếu. Tôi hy vọng tất cả mọi người sẽ ủng hộ bản hiến pháp mới”.
Tuy vậy, trong ngày đầu tiên của cuộc bỏ phiếu, ít nhất 5 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo và cảnh sát. Một quả bom nhỏ phát nổ tại thủ đô Cairo nhưng không làm ai thiệt mạng hay bị thương.
Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập (SEC), hơn 52,7 triệu cử tri trong nước trên tổng số 85 triệu dân nước này đã đăng ký đi bỏ phiếu, tăng hơn 1,5 triệu cử tri so với cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp được tổ chức tháng 12/2012.
Có ít nhất 14.000 thẩm phán, gần 7.000 quan sát viên của 59 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và 7 tổ chức quốc tế (như Liên đoàn Arab và Liên minh châu Âu) tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu. Một số quan sát viên quốc tế nhận định, quá trình bỏ phiếu diễn ra tương đối tốt.
Phát biểu khi đến thăm điểm bỏ phiếu ở thủ đô Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy nhấn mạnh: “Sự thành công của cuộc trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp mới có nghĩa là sự thành công cho đất nước Ai Cập. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ bắt đầu một giai đoạn mới trong lộ trình chính trị. Chúng tôi hy vọng, Ai Cập sẽ không trở lại con đường bất ổn nữa. Tình hình sẽ ngày một tốt hơn”.
Cuộc trưng cầu ý dân cũng đánh dấu lần đầu tiên người Ai Cập đi bỏ phiếu kể từ khi Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội lật đổ 3/7/2013, sau các cuộc biểu tình chống chế độ của ông và Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chính trị phức tạp của Ai Cập, cuộc trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp mới sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho việc thành lập và điều hành tổ chức lập pháp, bổ xung các chức vụ lãnh đạo vốn bị thiếu trong thời gian qua.
Theo đó, cuộc trưng cầu ý dân lần này được xem là dấu hiệu hỗ trợ cho các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai chính trị thời "hậu Tổng thống Morsi". Nhờ đó, vấn đề chính trị tại Ai Cập có thể sẽ được giải quyết sau cuộc trưng cầu ý dân.
Đất nước Ai Cập "3 năm hỗn loạn", kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ tháng 1/2011 - thể hiện "bước lùi" thực sự đối với Ai Cập. Nếu tỷ lệ ủng hộ cao hơn so với cuộc trưng cầu ý dân trước đó, cuộc trưng cầu ý dân lần này sẽ là chiến thắng hết sức quan trọng của Chính phủ lâm thời Ai Cập được quân đội hậu thuẫn và có ý nghĩa quyết định đối với hai bước tiếp theo trong lộ trình chuyển tiếp ở nước này - đó là cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử Quốc hội dự kiến vào tháng 4/2014./.