Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 9h (theo giờ địa phương) sáng 14/1 và đóng cửa lúc 21 giờ cùng ngày tại 27 khu vực trên cả nước.

Theo Ủy ban bầu cử Trung ương Ai Cập, có gần 53,5 triệu cử tri trong tổng số 85 triệu người dân nước này đủ tư cách đi bỏ phiếu, tại hơn 30.000 điểm trong cả nước.

egypt_copy.jpg
Người dân Ai Cập tham gia bỏ phiếu (Ảnh AP)

Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết, 200.000 nhân viên cảnh sát, 150 đơn vị an ninh trung ương và 200 nhóm an ninh địa phương được triển khai xung quanh các điểm bỏ phiếu trong cả hai ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi các hòm phiếu mở cửa, một quả bom đã phát nổ trước cửa tòa án hiến pháp tại thủ đô Cairo. Vụ nổ khiến phần trước tòa nhà bị hư hại nhưng không có ai thương vong.

Phát biểu ý kiến trên truyền hình ngày 13/1, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour kêu gọi người dân tham gia cuộc trưng cầu ý dân và nhấn mạnh, Hiến pháp mới nếu được thông qua, cùng các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội được tổ chức, sẽ mở ra giai đoạn dân chủ mới cho đất nước.

Tiến trình soạn thảo Hiến pháp mới ở Ai Cập đã diễn ra khá suôn sẻ, bắt đầu từ đầu tháng 9 và kết thúc vào ngày 1/12/2013, sau khi 4 điều khoản gây tranh cãi của dự thảo Hiến pháp cuối cùng được thông qua. 

Với tổng cộng 247 điều khoản, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi được dư luận đánh giá là đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của người dân và sự phân quyền giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp của Ai Cập.

Phát biểu tại Viện Huấn luyện quốc gia thuộc Bộ Y tế ngày 13/1, người đứng đầu Hội đồng lập hiến Ai Cập Amr Moussa khẳng định, bản Hiến pháp sửa đổi là sự phản ánh tình hình hiện nay tại Ai Cập: “Hiến pháp sửa đổi phản ánh tình hình hiện nay tại Ai Cập, với những thách thức mà Ai Cập và xã hội Ai Cập đang phải đối mặt. Do đó, mục tiêu lớn nhất mà văn kiện hướng tới là sự tự do, các quyền và lợi ích của người dân Ai Cập, mà không bỏ qua bất kỳ thành phần nào của xã hội. Điều này buộc chính phủ Ai Cập và nền Cộng hòa phải đánh giá lại những ưu tiên của mình”.

Cuộc trưng cầu ý dân được đông đảo người dân kỳ vọng sẽ tạo tiền đề chấm dứt cuộc khủng hoảng trầm trọng với những chương đẫm máu nhất trong 5.000 năm lịch sử của Ai Cập, đồng thời mở ra giai đoạn phát triển ổn định tại quốc gia Bắc Phi này sau gần 3 năm chìm trong bất ổn và bạo lực.

Kết quả hai cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất cho thấy gần 80% số người được hỏi đã sẵn sàng tham gia bỏ phiếu và trên 70% cử tri sẽ ủng hộ bản Hiến pháp mới vốn được đánh giá ưu việt hơn hẳn so với bản Hiến pháp trước đây do phe Hồi giáo chủ trì soạn thảo. 

Ngoài ra, tỷ lệ người đi bầu dự kiến cũng sẽ cao hơn nhờ việc sửa đổi Luật quyền chính trị mới đây, qua đó cho phép cử tri được bỏ phiếu ngoài khu vực đăng ký cư trú. 

Người dân Ai Cập bày tỏ: “Đây sẽ là lần đầu tiên tôi tới hòm phiếu và bỏ phiếu đồng ý. Suốt gần 3 năm qua, tôi gần như thất nghiệp. Người dân trên cả nước đều bị ảnh hưởng, dù ít hay nhiều. Chúng tôi muốn có một cuộc sống tốt hơn”.

Ủy ban Bầu cử trung ương Ai Cập (SEC) ngày 13/1 thông báo chỉ 103.000 người, chiếm khoảng 15% kiều dân Ai Cập sống ở nước ngoài đăng ký tham gia cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới được tổ chức từ ngày 8-12/1 vừa qua.

Con số này thấp hơn nhiều so với 244.000 người, chiếm khoảng 40% cử tri đăng ký tham gia cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do chính quyền của tổng thống bị lật đổ Morsi chủ trì soạn thảo, được tổ chức trong hai đợt vào tháng 12/2012.

Giới phân tích khu vực cho rằng, dự thảo Hiến pháp sửa đổi của Ai Cập nhiều khả năng sẽ được thông qua với tỷ lệ ủng cao.

Sau gần 3 năm chìm đắm trong tình trạng bất ổn, bạo lực chính trị, tôn giáo và sắc tộc, người dân Ai Cập đặt kỳ vọng lớn vào sự ổn định. Hòa bình, an ninh và sự ổn định mới là mong muốn thiết thực nhất của người dân đất nước Kim Tự Tháp, chứ không phải là các chương trình nghị sự tôn giáo có xu hướng cực đoan của các lực lượng Hồi giáo./.