Nabila Sadiq là một vị giáo sư tại trường Đại học Jamia Millia Islamia ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Chị bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Ngày 4/5/2021, chị đăng lên mạng xã hội Twitter dòng trạng thái với nội dung nói rằng mình đang rất cần một giường bên trong phòng hồi sức cấp cứu. Sau bao nỗ lực, Nabila có được một suất trong phòng điều trị tích cực, nhưng khi ấy, phổi của chị đã bị tàn phá quá mức. Đến ngày 17/5, chị đã qua đời do căn bệnh Covid-19.
Những đoạn tweet của Nabila ít nhiều đã phản ánh thực trạng Covid-19 nghiêm trọng như thế nào ở New Delhi, Ấn Độ. Ngày 23/4, chị đăng lên Twitter: “Quá nhiều cái chết trong một ngày”. Ngày 24/4: “Quá nhiều người trẻ chết do thiếu oxy. Mỗi ngày khi tôi thức giấc lại phải nghe tin về những ca tử vong mới”. Ngày 1/5: “Hãy cầu nguyện cho tôi và cha mẹ tôi. Chúng tôi sẽ vượt qua”. Ngày 2/5: “Cứ đà này sẽ chẳng còn ai sống ở Delhi”. Ngày 4/5: “Còn giường bệnh nào trong phòng cấp cứu nữa không? Cho chính tôi”. Đây là đoạn tweet cuối cùng của giáo sư Nabila.
Nabila đã bị 3 bệnh viện khước từ. Phải đến bệnh viện thứ 4, chị mới được đón nhận vào để điều trị.
Khi ở trong viện, Nabila không được thông báo rằng mẹ chị đã qua đời vì Covid-19 vào ngày 7/5.
Waqar, một sinh viên của Nabila, cho biết: “Chúng tôi đã gọi đến mọi bệnh viện ở vùng thủ đô Delhi để có được một giường bệnh nằm thở oxy. Bạn bè của cô Nabila đã giúp chúng tôi tìm được một giường bệnh tại bệnh viện Fortis ở Faridabad. Tuy nhiên, mức oxy của cô giáo đã tụt xuống mức 32%. Sau khi chụp CT, bác sĩ cho hay, phổi của cô đã bị tàn phá”.
Waqar cho biết, Nabila rất được các sinh viên yêu quý và các sinh viên chuyên ngành nghiên cứu về giới đều muốn được làm luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của giáo sư Nabila.
Trong khi đó người cha Mohammad Sadiq 86 tuổi của Nabila thì thất thần nhìn 2 bức di ảnh của vợ và của con gái – hai người qua đời cách nhau có 10 ngày.
Ông Sadiq, từng là giảng viên đại học, tâm sự: “Tôi như xác chết di động vậy. Khi vợ tôi qua đời, tôi nghĩ mình còn con gái. Giờ thì mọi thứ đã trở thành ký ức”./.