Nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế châu Âu đang bắt đầu phục hồi sau nhiều năm suy thoái và tăng trưởng chậm, gây thất nghiệp cho hàng triệu người. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo còn quá sớm để vui mừng về điều này.

Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 0,6% trong quý 2 vừa qua, cao gấp đôi so với quý trước.

Tính đến thời điểm này, nền kinh tế Anh đã phục hồi được gần một nửa mức sụt giảm 7,2% trong cuộc khủng kinh tế-tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tại Đức, xu hướng phát triển tích cực của nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục duy trì trong sáu tháng cuối năm. 
Sản xuất công nghiệp tại châu Âu nói chung bắt đầu khởi sắc. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và các gia đình sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Ông Jonathan Buck, thuộc Tạp chí tài chính Barron của Mỹ tin rằng, nền kinh tế của châu Âu đang trên đà phục hồi: “Trong hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của châu Âu. Tôi cho rằng, đến cuối năm nay chúng ta sẽ có thể được chứng kiến một châu Âu trỗi dậy sau thời kì suy thoái”. 

Cách đây một năm, các chuyên gia cảnh báo, khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tan rã nhưng nay có thêm Latvia chuẩn bị gia nhập khu vực này. Tuy nhiên, mối đe dọa đối với đồng Euro vẫn còn, vì người dân đã hết kiên nhẫn với các gói cứu trợ và chính sách thắt lưng buộc bụng. Ngay cả khi châu Âu đang ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, thì sự phục hồi còn tiến triển chậm, chưa chắc chắn, đặt biệt ở những nền kinh tế khó khăn nhất của khu vực này./.