Ngày 26/10, quân đội Iraq giành lại quyền kiểm soát thêm 2 ngôi làng ở phía Nam thành phố Mosul, nơi đang diễn ra chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm đánh bật nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi thành trì cuối cùng của chúng tại Iraq.

IS đang bị dồn ép từ cả cửa ngõ phía Nam và phía Đông của Mosul. Nhiều chuyên gia lo ngại trước nguy cơ IS dùng người dân thường làm lá chắn sống và thậm chí là sẽ sử dụng vũ khí hóa học.  

nguoidan1_qnzb.jpg
Những người dân Mosul, Syria đang chịu cảnh mất nhà vì cuộc chiến. (ảnh: Reuters). 
Thành phố miền Bắc Iraq Mosul - thành trì cuối cùng của nhóm phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq đang chứng kiến chiến dịch quân sự quy mô lớn nhất của quân đội Iraq và các đồng minh trong hơn 1 thập kỷ qua. Cả Iraq và Mỹ đều quyết tâm và dồn lực để đánh bật IS khỏi Mosul. 

Ngày 26/10, IS đã tăng cường lực lượng tới cửa ngõ phía Nam của Mosul nhằm cản bước tiến của lực lượng Iraq và liên quân chống khủng bố đang ngày càng tiến sát tới cửa ngõ này.

Trong khi đó, tại phía Đông Mosul, “đơn vị tinh nhuệ” của Iraq đang tạm dừng bước tiến để chờ các đơn vị khác thu hẹp khoảng cách tiến công tới Mosul, đồng thời sẵn sàng phối hợp cho một chiến dịch toàn diện.

Nguồn tin từ quân đội Mỹ cũng khẳng định rằng sự kháng cự của IS từ bên trong Mosul cũng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Hãng tin Reuters của Anh dẫn các nguồn tin quân sự cho biết IS đang sử dụng chiến thuật đánh bom xe liều chết để cản bước tiến của quân đội Iraq và các lực lượng đồng minh.

Trong 10 ngày kể từ khi chiến dịch giải phóng Mosul được phát động hôm 17/10 vừa qua, lực lượng liên quân chống IS đã phá hủy ít nhất 95 xe cài bom của nhóm khủng bố. Sự sụp đổ thành trì Mosul sẽ đánh dấu chiến dịch chống khủng bố IS hiệu quả tại Iraq.

Mosul là thành phố lớn thứ 2 Iraq và lớn gấp nhiều lần so với tất cả các thành phố khác mà IS đã chiếm đóng. Để giải phóng Mosul, các lực lượng Iraq với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ đứng đầu đã phát động chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhất kể từ năm 2003. 

30.000 binh sĩ thuộc quân đội Iraq, lực lượng người Kurd và các tay súng thuộc các bộ tộc người Sunni tham gia chiến dịch quân sự này.

Trong khi đó, Mỹ hiện có khoảng 5.000 binh sĩ tại Iraq, trong đó 100 người đang đóng vai trò cố vấn cho lực lượng Iraq và người Kurd. Mỹ không trực tiếp triển khai binh sỹ của mình tham chiến ở tiền tuyến, song hỗ trợ các lực lượng Iraq bằng các chiến dịch từ trên không.

Người phát ngôn lực lượng Liên quân do Mỹ dẫn đầu, Thiếu tá Chris Parker cho biết: “Chiến dịch quy mô lớn để giải phóng Mosul đang đi đúng hướng và chúng tôi đang ở giai đoạn quyết định của chiến dịch. Chúng tôi có thể hỗ trợ cuộc chiến này bằng các hệ thống pháo bình, hệ thống rocket tầm cao và tăng cường hỗ trợ hậu cầu. Các chuyên gia và cố vấn chúng tôi vẫn đang tiếp tục sứ mệnh của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các lực lượng Iraq tiến tới Mosul”.

Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo cảnh báo chiến dịch giải phóng Mosul khỏi IS không chỉ tạo thách thức về mặt quân sự, mà còn có thể gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khi có tới 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Ước tính IS hiện có khoảng 4.000 đến 8.000 tay súng đang cố thủ ở Mosul, trong khi con số dân thường mắc kẹt tại chiến trường này là khoảng 1,5 triệu người.

Nếu để mất thành trì cuối cùng này tại Iraq, giấc mơ về một “Vương quốc Hồi giáo” của IS sẽ chấm dứt, do đó nhiều ý kiến quan ngại rằng IS có thể dùng đến những phương thức phản kháng tiêu cực và tàn bạo hơn, trong đó có việc sử dụng dân thường làm lá chắn sống và thậm chí có thể sử dụng vũ khí hóa học.

Thiếu tá Chris Parker nói: “Chúng tôi đang có những biện pháp để đảm bảo sự an toàn cho các lực lượng và giảm thiểu các mối đe dọa cũng như thiệt hại. Mối lo ngại lớn nữa là sự an toàn của người dân Mosul. Trên thực tế, IS đang sử dụng người dân làm lá chắn để giảm bớt thiệt hại quân số của chúng”./.