Dự án này nằm trong khuôn khổ các cuộc đàm phán 3 bên về khí đốt giữa Liên minh châu Âu (EU)-Ukraine và Nga vào ngày 26/9 tới.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh EU liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, động thái sẵn sàng đàm phán về dự án Dòng chảy Phương Nam giữa EU với Nga đã thể hiện một bước đi có phần dịu nhẹ, nhượng bộ của tổ chức này.
Dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Nam do Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga và tập đoàn năng lượng ENI của Italy cùng khởi xướng vào năm 2012, nhằm vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Đường ống dẫn khí đốt này có nhiệm vụ vận chuyển khoảng 63 tỷ m3 khí đốt/năm khi dự án được hoàn thành.
Khí đốt được vận chuyển từ Nga qua Biển Đen vào Bulgaria, tiếp đó chia thành hai nhánh, một hướng về phía Tây Bắc tới Áo, nhánh còn lại hướng về phía Nam tới Hy Lạp và sau đó quay sang phía Tây tới miền Nam Italy. Hệ thống đường ống dẫn này sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu mà không cần phụ thuộc vào nước láng giềng Ukraine.
Ukraine là trạm trung chuyển trọng yếu để Nga cung ứng năng lượng cho châu Âu. 80% lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang EU đều vận chuyển qua Ukraine. Những tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine trong mấy năm qua đã gây ra sự gián đoạn khí đốt cho khách hàng châu Âu.
Do đó, Nga hy vọng nhờ vào đường ống Dòng chảy phương Nam để giảm phụ thuộc vào quốc gia trung chuyển khí đốt. Đường ống này không đi qua Ukraine, mà xuyên qua Biển Đen đến Bulgaria, sau đó tới Italy và Áo, rồi lại từ đó vận chuyển sang các quốc gia châu Âu khác.
Dự án “Dòng chảy phương Nam” được xem là một phần trong kế hoạch “gọng kìm” của Nga nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với thị trường khí đốt châu Âu và đặt nền móng cho một cơ chế đảm bảo an ninh năng lượng tại châu Âu. Nga đã ký các thoả thuận liên Chính phủ với một loạt nước gồm Bulgaria, Serbia, Hungaria, Hy Lạp, Slovenia, Áo và Croatia để tiến hành xây dựng những phần trên bờ của dự án.
Uỷ ban Châu Âu thực tế từ lâu đã tìm cách cản trở dự án Dòng chảy Phương Nam với lý do dự án này vi phạm Gói Năng lượng Thứ Ba của EU.
Theo quy định của Châu Âu, hệ thống đường ống dẫn khí đốt của EU không thể thuộc những nước trực tiếp xuất khẩu khí đốt. Nhưng Moscow lại luôn khẳng định dự án xây dựng mạng lưới khí đốt Dòng chảy Phương Nam của Nga không đi ngược lại với những quy định của Châu Âu.
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện, dự án “Dòng chảy phương Nam” đã được nhận định là “nước cờ của Nga” trong vấn đề năng lượng khiến EU buộc phải coi Moscow như là một nhà cung cấp nhiên liệu không thể thiếu. Vậy việc EU bất ngờ đồng ý đàm phán về dự án này ý nghĩa như thế nào và triển vọng của cuộc đàm phán này ra sao?
Bài toán “năng lượng” trong nhiều năm qua luôn hóc búa đối với Nga và EU. Bởi lẽ, đây không phải thuần túy là bài toán kinh tế để phản ánh tương quan cung cầu của thị trường mà luôn hàm chứa một ẩn số mang màu sắc “chính trị”.
Dòng chảy khí đốt từ Nga sang EU thường xuyên bị đe dọa ngừng hoạt động và đã có thời điểm ngừng hoạt động vào đúng mùa đông lạnh giá không phải vì yếu tố kỹ thuật, không phải vì Nga không đủ khí đốt cung cấp và càng không vì lý do EU không tiếp nhận …
Tất cả bắt nguồn trực tiếp cũng như sâu xa từ các mối quan hệ chính trị tay 3 giữa Nga – EU - Ukraine luôn gặp “sự cố”. Khí đốt đã trở thành công cụ để các bên gây áp lực cũng như tạo nguyên cớ giải quyết các “sự cố” chính trị đó.
Cũng chính từ những “sự cố” đó mà Nga đã phải tính đến việc xây dựng “Dòng chảy Phương Nam” theo lộ trình mà các bạn vừa nhắc đến. Thế nhưng, vì nhiều lý do, EU luôn viện dẫn quy định của Châu Âu về Gói Năng lượng Thứ Ba để cản trở và khi những đòn trừng phạt mà châu Âu đưa ra đối với Nga, dự án này trở thành đối tượng đầu tiên bị nhắm đến.
EU đã yêu cầu các quốc gia thành viên đóng băng các thỏa thuận đã ký với Nga về dự án này. Đây cũng chính là một tác động quan trọng để tháng 8 vừa qua Bulgaria tạm ngừng thỏa thuận đã ký với Nga về việc triển khai dự án này. Đặc biệt, trong một nghị quyết được thông qua hồi tuần trước, Quốc hội Châu Âu cũng đã kêu gọi giới lãnh đạo EU huỷ bỏ các thoả thuận với Nga.
Thực tế hiện nay, dự án Dòng chảy phương nam với một loạt thoả thuận liên chính phủ đã được Nga ký với các quốc gia liên quan để tiến hành xây dựng những phần trên bờ của dự án vẫn đang rất cần giảm áp lực từ EU thì mới có thể “khơi thông dòng chảy” đến đích cuối cùng.
Mặc dù đối đầu và trừng phạt kinh tế không hoàn toàn là cách tiếp cận chủ động của EU đối với Nga trong vấn đề Ukraine. Sự lệ thuộc quá lớn về an ninh của EU đối với Mỹ đã buộc EU phải đồng hành cùng Mỹ trong phản ứng này đối với Nga.
Trên thực tế, quá trình EU đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga đã diễn ra rất khó khăn vì quyền lợi và quan điểm không đồng nhất của các nước thành viên và cả những nước Châu Âu đang là ứng cử viên gia nhập Liên minh.
Sự thiếu đồng thuận này đang thể hiện ở một tín hiệu là sau khi thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga hôm 12/9, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy đã tuyên bố, EU có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga từng phần hoặc hoàn toàn, phụ thuộc vào tình hình diễn biến ở Ukraine.
Điều này cũng đã được người phát ngôn của Cao uỷ Chính sách Đối ngoại EU ngày 22/9 cho biết, “ban chính trị đối ngoại EU đang xúc tiến đánh giá sự tiến triển của kế hoạch hoà bình ở Ukraine với mục đích nhằm chuẩn bị cho một sự sửa đổi hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt mà Liên minh đang áp đặt với Nga”.
Sau đó, trong cuộc họp lần thứ 12 của Cộng đồng năng lượng châu Âu vào ngày 16/9 tại Kiev thì cao ủy châu Âu về năng lượng Gunther Ettinger đã phản đối biện pháp trừng phạt về lĩnh vực khí đốt của Nga, và ông cho rằng mối quan hệ của EU với Nga nên thực dụng và dựa trên lợi ích chung.
Có thể nói, những tín hiệu này của EU đã góp phần đưa tới sự đồng ý đàm phán và quan trọng hơn nó sẽ phần nào làm hạ nhiệt trong cuộc đàm phán 3 bên để tháo gỡ cuộc “đối đầu” về năng lượng.
Như vậy, có thể hy vọng triển vọng sẽ sáng sủa cho việc tháo gỡ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt tiếp sau động thái đàm phán về năng lượng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi chính EU cũng đang “ngấm đòn” từ những biện pháp trừng phạt, nhất là khi một mùa đông lại đang đến gần.
Như vậy có thể thấy rằng EU đã có bước nhượng bộ với Nga khi bất ngờ chấp nhận sẽ đàm phán về dự án dòng chảy Phương Nam với nước này.
EU cho biết, hiện khối này tiêu thụ khoảng 500 tỷ m3 khí đốt/năm và sẽ tăng thêm 250-300 tỷ m3 khí đốt/năm trong 25 năm tới. Trong khi, Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Đây cũng được xem là một trong những lý do giải thích cho quyết định mới của EU đối với Nga. Như chúng ta đã biết, khi dự án Dòng chảy phương Nam hòan thành cũng có nghĩa, lần đầu tiên, khí đốt từ Nga sẽ được bơm trực tiếp vào Tây Âu mà không phải qua các nước láng giềng như Ukraine, Belarus và Ba Lan.
Với công suất chuyên chở lên đến 55 tỷ m3 khí đốt/năm, có thể đáp ứng gần 10% nhu cầu về khí đốt tại EU. Bên cạnh đó, Dòng chảy phương Nam không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu năng lượng của châu Âu, mà còn giúp tăng cường an ninh năng lượng cho châu Âu bằng cách đa dạng hóa các hành trình vận chuyển, khiến cho việc cung cấp khí đốt cho châu Âu ổn định hơn nhờ việc mở ra thêm một tuyến đường mới an toàn hơn.
Việc không thể tự sản xuất được khí đốt, thiếu nguồn nhập khẩu và những dự án đường dẫn khí đốt lớn sẽ là những khó khăn khiến châu Âu khó lòng có thể thay thế được khí đốt từ Nga, cũng được xem là lý do khiến giới phân tích cho rằng “châu Âu vẫn chưa thóat được sự phụ thuộc năng lượng vào Nga”.
Báo cáo mới nhất của cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đưa ra mới đây, các chuyên gia của tổ chức này cho rằng, nguồn cung khí đốt từ châu Âu chắc chắn sẽ tăng.
Nhu cầu của châu Âu có thể tăng 1,3% mỗi năm trong giai đoạn 15 năm tới. Ngoài ra, kinh tế phục hồi và việc ưu tiên sử dụng nhiên liệu khí đốt hơn các loại nhiên liệu than hay hạt nhân, cũng sẽ khiến nhu cầu tăng cao trong tương lai.
Fitch cũng cho rằng việc sản xuất khí đốt bằng công nghệ đá phiến dầu ở châu Âu cũng khó có thể thành công như ở Mỹ hoặc nếu có, cũng phải chờ ít nhất 1 thập kỉ nữa nó mới thay thế được dây chuyển sản xuất khí đốt thông thường.
Châu Âu có thể thay thế khí đốt bằng dầu lửa, than, hay năng lượng hạt nhân, tuy nhiên tất cả những phương pháp này đều có thể tổn hại đến kinh tế, chính trị và môi trường sinh thái. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và giúp thị trường bình ổn, nếu xảy ra thay đổi bất ngờ cũng sẽ tiêu tốn khoảng 264 tỉ USD và làm giá nhiên liệu tăng cao.
Rõ ràng, với nhu cầu thực tế của EU, có thể hiểu được sự phụ thuộc nguồn cung năng lượng của nước này đối với Nga. Tuy nhiên, sâu xa hơn không khó để thấy những tính toán của EU khi lựa chọn động thái “xoa dịu” với Nga.
Như chúng ta đã biết, khi dự án Dòng chảy phương Nam được thiết lập cũng có nghĩa sẽ giúp tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu thêm 25%, và quan trọng hơn là không “đường đi”của nó không phụ thuộc vào một nước thứ 3 là Ukraine.
Như vậy, việc giao dịch khí đốt giữa Nga và EU khi đường dẫn này hòan thành sẽ không phải phụ thuộc vào những căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Lúc đó, EU sẽ dễ dàng hơn trong việc giao dịch khí đốt với Nga.
Hơn nữa, theo các nhà phân tích, việc cứ tiếp tục có những đòn trừng phạt giữa Nga và Ucraina xung quanh cũng sẽ không có lợi cho cả hai bên, đặc biệt với EU trong bối cảnh mùa đông đang tới gần.
Có thể thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà EU và Nga cùng mong chờ cuộc đàm phán sắp diễn ra vào ngày 26/09 tới xung quanh vấn đề năng lượng cũng như dự án “Dòng chảy phương Nam”.
Những lợi ích từ dự án đang khiến các bên phải tính toán những bước đi của mình. Tuy nhiên, cuộc chiến năng lượng giữa Nga và EU có đạt được kết quả tích cực hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khi các bên vẫn bị cuốn vào mâu thuẫn chính trị chưa có hồi kết tại Ukraine./.