Với diễn biến tích cực này, cuộc chiến dai dẳng kéo dài gần 2 thập kỷ qua hiện đang ở giai đoạn hồi kết. Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ hôm 14/2 xác nhận, nước này đã đạt được thỏa thuận với Taliban về một đề xuất giảm bạo lực trong 7 ngày tại các cuộc đàm phán tại Qatar.

merlin_158747211_c41c8a4387a44100a0c9896e3e534cd6jumbo_mcfx.jpg
Thủy quân lục chiến Mỹ ở tỉnh Helmand của Afghanistan. Ảnh: AFP.

Theo vị quan chức của Mỹ, vấn đề bạo lực đã cản trở sự kiện ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban hồi tháng 9/2019. Do đó, giờ là lúc Mỹ và Taliban cần đạt được thỏa thuận về việc giảm bạo lực. Và nếu Taliban triển khai đúng những gì họ cam kết, Mỹ sẽ thúc đẩy ký kết thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân này. Dẫu vậy, vị quan chức Mỹ cũng cho biết, đề xuất giảm bạo lực trong 7 ngày chưa được đưa vào triển khai ngay, song sẽ sớm có hiệu lực trong thời gian tới.

Trước đó 1 ngày, cả Tổng thống Mỹ Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo đều khẳng định, Mỹ và Taliban đã đạt được sự “đột phá” trong 1 số vấn đề gai góc, và đang ở rất gần với 1 Thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Mỹ Trump cho biết, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng trong 2 tuần nữa – điều này dường như là lời xác nhận cho 1 số nguồn tin trước đó tiết lộ, rằng thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban có thể sẽ được ký kết vào cuối tháng này.

Đàm phán Mỹ - Taliban hôm 14/2 cũng là chủ đề thảo luận tại nhiều cuộc gặp bên lề Hội nghị An ninh tại Munich, Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã nhân sự kiện này để thảo luận với các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO, tham khảo ý kiến đồng minh về việc rút quân ra khỏi Afghanistan trong tương lai.

Còn Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg hối thúc Taliban phải giảm các vụ tấn công bạo lực. Theo ông, phiến quân này nên hiểu rằng họ sẽ không bao giờ chiến thắng trong cuộc chiến và đối thoại là cách duy nhất: “Tôi sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan hôm nay (15/2) để thảo luận những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại tại Afghanistan. NATO hiện có khoảng 60.000 quân tại Afghanistan. Chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh nếu Taliban thể hiện thành ý thực sự giảm bạo lực và hướng đến con đường tìm kiếm hòa bình. Cách tốt nhất NATO có thể ủng hộ con đường hòa bình đó là tiếp tục hỗ trợ quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan”.

Cũng tại Munich, hôm 14/2, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã có cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ghani để thảo luận về những tiến triển đang đạt được với Taliban. Dù chi tiết cuộc gặp không được tiết lộ với báo giới, song theo quan điểm của Mỹ, sau thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban, chính phủ Afghanistan sẽ là bên tham gia đối thoại trực tiếp với Taliban về 1 giải pháp toàn diện.

Theo một số nguồn tin, Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban bao gồm 4 vấn đề chính là: Taliban có trách nhiệm đảm bảo sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến như IS và Al Qadae sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công; các lực lượng Mỹ và NATO rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; các bên tại Afghanistan phải đối thoại trực tiếp và một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn phải đạt được giữa các bên.

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về Thỏa thuận này. Nhiều người hy vọng thỏa thuận sẽ là sự khởi đầu cho việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tại Afghanistan, giúp Mỹ và đồng minh bước chân ra khỏi vũng lầy chiến tranh. Một số ý kiến khác thì tỏ ra bi quan hơn, họ không tin tưởng vào những gì Taliban cam kết, họ lo sợ Taliban vào mùa xuân tới sẽ lại tiếp tục các cuộc tấn công nhằm lật đổ chính phủ Afghanistan, thay vì cam kết đối thoại./.