Cuba hôm qua (11/3) đã tiến thêm một bước hướng tới bình thường hóa quan hệ với các nước phương Tây khi kí thỏa thuận “Đối thoại chính trị” với Liên minh châu Âu (EU).
Diễn ra trước chuyến thăm La Habana của Tổng thống Mỹ Barack Obama, sự kiện này được xem là lời khẳng định cho xu thế hòa giải và đối thoại trong giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay.
Thỏa thuận được ký kết sau gần hai năm đàm phán căng thẳng giữa Cuba và EU. Trước đó, Cuba là quốc gia Mỹ Latin duy nhất không có thỏa thuận hợp tác với EU.
Để đi tới kết quả này, Liên minh châu Âu và Cuba đã bắt đầu các cuộc đàm phán từ tháng 4/2014 trong khuôn khổ Đối thoại chính trị, gồm 3 chương: đối thoại chính trị, hợp tác và thương mại. Bảy phiên đàm phán đã được tiến hành trong suốt 2 năm nhằm đi tới văn kiện cuối cùng, được xem là một hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương.
Có thể nói, đây là một văn kiện có tính chất bao trùm nhất từ trước tới nay và đã vượt qua được "Lập trường chung châu Âu", một chính sách có tính chất can thiệp nội bộ mà Liên minh châu Âu áp dụng từ năm 1999 theo xu thế thắt chặt cấm vận mà Mỹ thúc đẩy từ năm 1996 và từng được coi là cản trở chính trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Phát biểu tại lễ ký, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini đánh giá đây là một bước tiến lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong các mối quan hệ song phương.
Bà Mogherini nói: “Đây thực sự là một ngày lịch sử đối với các mối quan hệ song phương. Có thể nói đây là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới trong quan hệ Cuba - EU, đó là thời kỳ của đối thoại và hợp tác. Điều cuối cùng tôi muốn nói đó là tôi luôn cảm thấy hài lòng khi được có mặt ở La Habana.”
Cũng nhân dịp này, bà Mogherini bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của Cuba chống lại cuộc bao vây cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại của Mỹ và khẳng định rằng chính sách thù địch này đã lỗi thời và phản tác dụng, khi thế giới đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại.
Về phần mình, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đánh giá cao những nỗ lực của Cuba và Liên minh châu Âu nhằm hoàn thành tiến trình đàm phán không kém phần phức tạp này. Theo ông Rodriguez, hai bên đã trao đổi một cách thẳng thắng tất cả các khía cạnh trong quan hệ song phương, kể cả những vấn đề "nhạy cảm" như hệ thống kinh tế - chính trị hay quyền con người.
Ông Rodriguez nói: “Cả Cuba và EU đều nhất trí tiếp tục thúc đẩy cuộc đàm phán về nhân quyền, một thành tố quan trọng của cuộc đối thoại, được đề cập lần đầu tiên hồi tháng 6 tại Brussels và chúng tôi đã có các phiên thảo luận rất hiệu quả trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau”.
Quan hệ Liên minh châu Âu - Cuba đã bị ''đóng băng'' năm 2003 khi EU áp đặt cấm vận Cuba để phản đối việc chính quyền Cuba bắt giam các nhân vật chống đối và tử hình 3 kẻ bắt cóc một phà chở khách để sang Mỹ.
Dù vẫn còn phải được 28 nước thành viên EU thông qua trước khi chính thức có hiệu lực, song với thỏa thuận này, cả Cuba và EU đều chứng tỏ được thiện chí bình thường hóa quan hệ, phù hợp với xu thế đối thoại hiện nay.
Cùng với chuyến thăm La Habana của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vài ngày tới (20-22/3), thỏa thuận Đối thoại chính trị Cuba - EU đã một lần nữa chứng minh những giá trị lâu dài của đối thoại đối với hòa bình và ổn định.
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, đối thoại vẫn là phương thức duy nhất để “cùng thắng”, là xu thế chung khó có thể cưỡng lại nhằm bảo toàn lợi ích cho tất cả các bên cũng như cho toàn thể cộng đồng./.