Crimea đang trở thành tâm điểm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Những lo ngại đang ngày càng gia tăng về vấn đề nước Cộng hòa tự trị Crimea tổ chức cuộc trưng cầu ý dân việc sáp nhập vào Liên bang Nga. Điều này sẽ trở thành tiền lệ để những cộng đồng nói tiếng Nga và các nhóm người thiểu số tại Ukraine đòi ly khai
uk_copy.jpg
Người dân Crimea biểu tình ủng hộ Nga (Ảnh: AP)

Chính quyền nước Cộng hòa tự trị Crimea đã gửi thư mời chính thức cho Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tới thực hiện sứ mệnh giám sát cuộc trưng cầu ý dân về tương lai của Crimea sẽ diễn ra ngày 16/03 tới. Lời mời này đã được chuyển tới Thụy Sĩ, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu và thư mời riêng tới một số nước thành viên tổ chức này. Theo báo Bưu điệnKiev, trong cuộc trưng cầu ý dân này, người dân Crimea sẽ được hỏi ý kiến về việc sáp nhập vào Liên bang Nga ngay lập tức hay là tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và sau đó sáp nhập vào Liên bang Nga.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào Bán đảo Crimea - tâm điểm của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Giới phân tích lo ngại rằng, sự chia rẽ tại Ukraine sẽ còn làm gia tăng căng thẳng sắc tộc trong khu vực và làm dấy lên một làn sóng đòi ly khai. Nhà khoa học chính trị Volodymyr Kipen tại Viện nghiên cứu xã hội và phân tích chính trị, đã cảnh báo về cuộc tuần hành phản đối chính quyền Kiev tại thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine.

Theo ông Kipen, nguy cơ đòi ly khai của cộng đồng người ủng hộ Nga tại Donetsk là điều không thể phớt lờ. Ông Kipen cho biết: “Nguy cơ đòi ly khai đang hiện hữu tại Donetsk. Nếu Chính phủ tạm quyền Ukraine có hành động đúng đắn thì nguy cơ này có thể giảm thiểu và không thể trở thành nguy cơ đe dọa sự thống nhất của Ukraine”.

Căng thẳng từ các cộng đồng thiểu số trong khu vực, trong đó có người Hồi giáo Tatars tại Crimea, cũng làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ bất ổn mới. Cao ủy Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu về vấn đề cộng đồng thiểu số Astrid Thors bày tỏ lo ngại: “Cộng đồng người Tatars luôn ở vị trí khác biệt tại Crimea và khiến họ dễ bị tổn thương hơn. Chúng ta sẽ phải theo sát tình hình căng thẳng hiện nay. Người Tatars cần động lực và sự quan tâm để hòa nhập”.

Cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea (16/3) luôn bị Ukraine và phương Tây coi là bất hợp pháp, trong bối cảnh cộng đồng thế giới vẫn chia rẽ sâu sắc về giải pháp cho khủng hoảng Ukraine. Hàng nghìn binh sĩ Nga đang được triển khai trên Bán đảo Crimea, còn Chính phủ lâm thời Ukraine vẫn nỗ lực ký kết một thỏa thuận thắt chặt quan hệ với Liên minh châu Âu.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, nước này sẽ ký thỏa thuận với Liên minh châu Âu sớm nhất vào ngày 17 hoặc ngày 31/3 tới. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 12/3 sẽ tới Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ hơn nữa. Ông Yatsenyuk cũng dự kiến phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một ngày sau đó về tình hình Crimea.        
Đến nay, Nga và Mỹ vẫn cáo buộc lẫn nhau về những bế tắc trong giải quyết khủng hoảng Ukraine. Nga cho biết, Mỹ đã từ chối tham gia cuộc thảo luận tìm giải pháp cho Ukraine, trong khi Mỹ cho rằng, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng 2 nước có thể diễn ra trong tuần này nhưng chỉ khi Nga chấm dứt triển khai quân sự tại Crimea.

Các bên đều đưa ra đề xuất của riêng mình để giải quyết bất ổn tại Ukraine. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang chuẩn bị triển khai các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, như đóng băng tài sản và cấm đi lại. Trong phát biểu ngày 11/3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, những lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực trong tuần này.

Trong khi đó, ông Vicktor Yanukovych chiều 11/3 có buổi họp báo tại thành phố Rostov-on-Don, miền Nam nước Nga. Ông Yanukovych lên án Mỹ và phương Tây ủng hộ chính quyền lâm thời Ukraine, đồng thời bác bỏ cuộc bầu cử ngày 25/5 tới./.