Ngày 9/3, hàng chục nghìn người mang theo cờ Nga đã đổ về Quảng trường Lenin ở trung tâm thủ phủ Simferopol của nước Cộng hòa tự trị Crimea để tham gia cuộc mít tinh lớn ủng hộ việc sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga. Cuộc tuần hành này diễn ra trước thềm cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea vào ngày 16/3 tới về việc sáp nhập vào Liên bang Nga. Trước những diễn biến này, chính quyền Kiev và châu Âu tiếp tục đưa ra lời cảnh báo đối với Nga và chính quyền Crimea. 
20140309_crimea__prorussia.jpg
Người dân Crimea xuống đường tuần hành ủng hộ việc sáp nhập vào Nga ngày 9/3. (Ảnh: ITAR-TASS)
Cuộc tuần hành tại Simferopol diễn ra trong bầu không khí hòa bình trước sự giám sát của cảnh sát địa phương. Những người tuần hành hô vang các khẩu hiệu và hát các bài hát ủng hộ nước Nga. Nhiều người cho rằng, việc Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga sẽ mang lại một tương lai tươi sáng cho người dân ở đây, đồng thời họ cũng tuyên bố không muốn sống cùng những phần tử phát xít ở Ukraine. Ông Sergei Tsekov, Phó chủ tịch Hội đồng tối cao nước Cộng hòa tự trị Crimea cho biết: “Tôi cho rằng chính phủ Nga hài lòng với việc sáp nhật Crimea vào Liên bang Nga. Chúng ta sẽ làm những gì mà chúng ta đã chờ đợi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải nhớ rằng, chúng ta có những người anh em ở Ukraine. Đó không chỉ là người Nga theo quốc tịch, theo ngôn ngữ hay văn hóa, mà còn cả những công dân nói tiếng Ukraine”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày cũng tuyên bố ủng hộ các bước đi của chính quyền khu vực Crimea, sau khi Nghị viện Crimea thông qua quyết định có tính nguyên tắc về việc sáp nhập bán đảo này vào thành phần Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng, các bước đi do chính quyền hợp pháp của Crimea tiến hành là dựa trên luật quốc tế và nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân trên bán đảo này.

Tuy nhiên, trong một động thái nhằm phản đối việc chính quyền Crimea muốn sát nhập với Liên bang Nga, chính quyền mới ở Kiev cũng đã cho phong tỏa kho bạc của chính quyền Crimea. Phát biểu trước đông đảo người dân tại Kiev, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk nhấn mạnh, Ukraine không muốn từ bỏ Crimea và cho rằng, Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994 đã đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thủ tướng Arseny Yatseniuk cũng cho biết, ông muốn giải quyết căng thẳng hiện nay thông qua con đường ngoại giao.

“Chúng tôi sẽ không từ bỏ một centimet đất nào của Ukraine. Là một quốc gia hòa bình, chúng tôi đang làm những gì tốt nhất và sẽ cố gắng hết mình để giải quyết cuộc xung đột này thông qua con đường ngoại giao và chính trị. Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994 đảm bảo cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina và chúng tôi sẽ làm tất cả để hoàn thành bản ghi nhớ này cũng như bảo vệ một nhà nước Ukraine độc lập, thống nhất và bất khả xâm phạm”.

Về phía Liên minh châu Âu, khu vực này vẫn tiếp tục cảnh báo Nga về những “hậu quả nghiêm trọng” nếu như Nga không tham gia đàm phán với chính quyền Kiev. Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết:

“Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tất cả các nỗ lực ngoại giao nhằm đưa Nga và Ukraina ngồi vào bàn đàm phán với sự hỗ trợ của các quốc gia khác, trong đó bao gồm Anh.  Tất nhiên, như chúng tôi đã nói trước đó, nếu như Nga không hợp tác thì nước này sẽ phải chịu những hậu quả, trong đó bao gồm việc cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Do đó, điều quan trọng bây giờ là Nga cần phải mở cửa cho đối thoại và đàm phán ngay lập tức”.

Các nước phương Tây cho rằng, bất cứ động thái mới nào của Nga đưa nước cộng hòa tự trị Crimea chính thức dưới quyền kiểm soát của nước này, đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ Nga và châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc trước đó đã lên tiếng nêu rõ, các biện pháp trừng phạt không phải là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt trong các mối quan hệ quốc tế như một lời đe dọa./.