Chỉ còn 1 ngày nữa, Cộng hòa tự trị Crimea, Ukraine sẽ tiến hành bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc có sáp nhập vào Nga hay không.

Càng gần đến ngày diễn ra sự kiện, tình hình tại đây càng nóng. Các nước phương Tây và chính phủ tạm quyền tại Ukraine liên tục đưa ra các thông điệp phản đối sự kiện trên, cho rằng, đây là hoạt động bất hợp pháp.

Những người ủng hộ Nga tại Crimea đã sẵn sàng cho cuộc trưng cầu ý dân (Ảnh Reuters)

Trong khi đó, Nga vẫn lên tiếng bảo vệ cho quyết định của Crimea.

Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 14/3 Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, quyết định tiến hành trưng cầu ý dân của Crimea là hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Trước đó, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở thủ đô London, Anh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định Nga tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ phản tác dụng và làm phương hại quan hệ giữa nước này với một số nước khác.

“Một số các đối tác phương Tây không chấp nhận cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea song tôi đã giải thích rất nhiều lần quan điểm của chúng tôi về điều này. Tôi tôn trọng cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea. Không ai có quyền hủy bỏ quyền tự quyết của người khác. Đây là một trong những nguyên tắc chính được ghi nhận trong hiến chương Liên Hợp Quốc”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Trong khi đó, ngày 14/3, Tòa án Hiến pháp của Ukraine tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa tự trị Crimea về việc sáp nhập vào Nga là vi hiến. Tòa án này cũng ra lệnh dừng các hoạt động của ủy ban đặc biệt chuẩn bị cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea và yêu cầu phải hủy các lá phiếu và tài liệu tuyên truyền.

Cùng ngày, quân đội Ukraine tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại nhiều khu vực của nước này. Tại khu vực Mykolaiv của Ukraine, hàng trăm binh sĩ đã tiến hành bắn đạn thật, huy động cả xe tăng, máy bay tham gia diễn tập quân sự.

Theo Thủ tướng tạm quyền Arseny Yatsenyuk, Ukraine đang thảo luận với Mỹ và NATO về khả năng trợ giúp kỹ thuật quân sự đối với nước này.

“Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc đàm phán song và đa phương về hỗ trợ quân sự và kỹ thuật. Bộ Quốc phòng hai nước cũng sẽ có các cuộc thảo luận. Phía Mỹ sẽ hỗ trợ công nghệ cho Ukraine theo thỏa thuận liên minh”, ông Yatsenyuk nói.

Chính quyền Ukraine thậm chí còn tuyên bố sẽ cắt nguồn cung điện và nước cho Cộng hòa tự trị Crimea nếu khu tự trị này quyết định li khai Ukraine.

Ông Yuri Odarchencko, người đứng đầu khu vực hành chính Kherson, thị trấn biên giới nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Cộng hòa tự trị Crimea cho biết:

“Nếu Crimea vẫn quyết định li khai Ukraine, Crimea sẽ gánh chịu hậu quả. Không chỉ các nguồn cung sinh hoạt như điện nước sẽ bị cắt mà các kết nối nhà nước giữa Crimea với Ukraine cũng sẽ bị cắt đứt. Khó khăn sẽ nảy sinh”.

Đồng quan điểm với Chính phủ tạm quyền Ukraine, nhiều  nước phương Tây ngày 14/3 tiếp tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa tự trị Crimea, đồng thời đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Trong một tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng, đã đến lúc EU nên áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga sau khi cuộc đàm phán giữa hai ngoại trưởng Nga, Mỹ diễn ra ngày 14/3 không đạt được bước đột phá nào.

“EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Hoạt động chuẩn bị đã diễn ra một vài ngày qua. Nga cần nhận thức về điều này”, ông Hague nói.

Phản ứng trước cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các bên liên quan tại Ukraine tiến hành đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp kín tại Hội đồng Bảo an ngày 14/3, Tổng thư ký Ban Ki-moon nói: “Chúng ta đang ở ngã ba đường. Nếu các bên vẫn tiếp tục quan điểm cứng rắn, nguy cơ sẽ xảy ra. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhóm họp nhiều lần về vấn đề này. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có khả năng để giảm căng thẳng tình hình. Tôi kêu gọi các bên liên quan tránh các hành động gây hấn, tránh các quyết định vội vàng trong một vài ngày tới. Cần tập trung đối thoại trực tiếp nhằm đạt được các biện pháp đặc biệt, mở đường cho một giải pháp chính trị”.

Dự báo, cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ được đẩy lên đỉnh điểm vào ngày mai, 16/3, khi người dân Crimea quyết định có tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga hay không qua cuộc trưng cầu ý dân.

Chưa biết kết quả cuộc trưng cầu sẽ như thế nào song một điều có thể chắc chắn là tình hình Ukraine sẽ có rất nhiều biến động trong những ngày tới./.