Kết quả nghiên cứu công bố hôm qua (29/4) cho biết, ô nhiễm không khí đã giảm đáng kể khi hàng trăm triệu người ở trong nhà trong 1 tháng qua.

Chuyên gia phân tích Lauri Myllyvirta  thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (trụ sở tại Helsinki, Phần Lan), đơn vị thực hiện công trình nghiên cứu cho biết, những lợi ích to lớn cho sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống được nâng cao nếu thế giới nhanh chóng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

o_nhiem_khong_khi_chau_au_takepart_jamx_0.jpg
Ô nhiễm không khí ở châu Âu. Ảnh: Takepart.

Khi áp dụng phong tỏa, lưu lượng giao thông đường bộ giảm mạnh, trung bình mỗi công dân châu Âu giảm được 37% mức độ phơi nhiễm với khí thải nitơ đioxit. Mức độ phơi nhiễm với bụi mịn cũng giảm 12% so với trước. Chất lượng không khí tốt hơn đã giúp giảm 6.000 ca mắc mới hen suyễn ở trẻ em châu Âu. 

Chuyên gia khí hậu Christos Zerefos chia sẻ: “Một trong những mặt tích cực mà đại dịch Covid-19 đem lại là giảm ô nhiễm không khí trên toàn cầu, đặc biệt tại các vùng mật độ đông dân cư như Athens (Hy Lạp) và các đô thị lớn. Điều đó cho thấy, sự gián đoạn trong đời sống xã hội hiện đại theo cách mà chúng ta đang sống và cách chúng ta gây ô nhiễm, chúng ta đã hít thở những gì chúng ta đã sản sinh ra từ các hoạt động hàng ngày. Do vậy đây là bài học lớn cần rút ra. Chúng ta có thể có môi trường trong lành hơn, hãy nhìn vào môi trường sạch hơn trong những ngày này. Tuy nhiên chúng ta vẫn hi vọng có được môi trường trong lành như vậy khi mà không còn lệnh phong tỏa để ngăn dịch Covid-19 hay các cuộc khủng hoảng khác”.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, việc phơi nhiễm lâu dài với không khí ô nhiễm như trước thời điểm xảy ra đại dịch có thể gây hoặc làm trầm trọng các bệnh đái tháo đường, bệnh phổi, tim mạch, ung thư, những bệnh nền mà nếu mắc thêm Covid-19 thì rất dễ tử vong.Theo cơ quan môi trường châu Âu, ô nhiễm không khí đã gây ra hơn 400.000 ca tử vong sớm hàng năm ở 27 nước thành viên Liên minh châu Âu và Anh./.