Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc lần thứ 19 (COP19) ngày 19/11 bước vào phiên thảo luận cấp cao, trong bối cảnh COP 19 đã đi gần hết chặng đường làm việc mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki - moon cảnh báo, mọi sự trì hoãn trong hành động đối phó với biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những thảm họa thiên tai khó lường, như trận siêu bão lịch sử Haiyan vừa qua cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người Philippines.

cop-19-a.jpg
Tổng Thư ký LHQ phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao (Ảnh: AFP)

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki - moon khẳng định, COP19 là “bàn đạp” quan trọng để các nước tìm kiếm một thỏa thuận toàn cầu có tính tham vọng và hiệu quả vào năm 2015, để có thể đối phó với biến đổi khí hậu.

“Người dân toàn cầu đang phải đối mặt với sự phẫn nộ của thiên nhiên. Khoa học đã chứng minh, con người là nhân tố chính dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho tự nhiên”, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói.

Dù thể hiện lo ngại trước sự chậm trễ và trì hoãn hành động của các nước trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và tình trạng ấm lên toàn cầu, song ông Ban Ki - moon vẫn rất hy vọng vào Hội nghị COP 19 lần này.

Khai mạc từ ngày 11/11, Hội nghị COP 19 đến nay đã đi gần hết chặng đường làm việc mà các nước vẫn chưa đạt được tiến bộ về vấn đề mang tính quyết định là tài chính.

Tại hội nghị, các nước đang phát triển muốn các nước phát triển giữ cam kết đưa ra năm 2009 về việc tăng tài trợ lên 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, do đang phải giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước phát triển không muốn đưa ra bất kỳ con số nào cho mục tiêu năm 2020 hay cam kết đền bù tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra. Trong ngày làm việc ngày 20/11, các Bộ trưởng môi trường tiếp tục thảo luận về vấn đề này.  

Theo kế hoạch, Hội nghị COP 19 sẽ kết thúc vào ngày 22/11 tới. Hội nghị này là khởi đầu của tiến trình hai năm thương lượng, dự kiến kết thúc vào năm 2015 tại Paris (Pháp), nhằm tiến tới một hiệp định tổng quan, đầy tham vọng và mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiệp định tương lai này sẽ tiếp nối Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020, đồng thời ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi - trong đó có Trung Quốc, vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu./.