Hôm qua (10/10), các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hành quyết một nhà báo người Iraq và 12 người khác tại một số thị trấn và làng mạc ở phía Bắc thủ đô Baghdad của Iraq. Vụ việc càng cho thấy sự tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo, đồng thời khơi dậy sự quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc dập tắt hoạt động của nhóm phiến quân này.
Theo Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton, Liên minh châu Âu lo ngại sâu sắc về tình hình an ninh và nhân đạo ở Kobani cũng như các vùng còn lại của khu tự trị người Kurd ở Syria sau 3 tuần bị các tay súng Nhà nước Hồi giáo bao vây và giao tranh dữ dội. Bà khẳng định lại cam kết của Liên minh châu Âu đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo cũng như đoàn kết với tất cả những người phải chịu đau thương do các hành động của Nhà nước Hồi giáo gây ra. Bà kêu gọi Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, các đối tác khu vực và quốc tế hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cô lập và loại bỏ mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo.
Cùng chung quan điểm với Liên minh châu Âu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các quốc gia nhanh chóng triển khai các biện pháp có thể để ngăn chặn bước tiến của Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nói: “Một phần ba thành phố Kobani đã bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ. Đây thực sự là một điều đáng lo ngại. Đây cũng chính là lý do tại sao ngay từ đầu tôi đã kêu gọi các quốc gia và tất cả mọi người phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bước tiến của Nhà nước Hồi giáo”.
Cùng ngày, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã kêu gọi có hành động khẩn cấp, đặc biệt là từ Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không muốn Kobani bị thất thủ.
>> Xem thêm: Hàng ngàn người sẽ bị thảm sát nếu Kobani rơi vào tay IS
Đặc phái viên nói: “Chúng ta đã được chứng kiến những gì mà lực lượng Nhà nước Hồi giáo có thể làm khi chúng chiếm được một thành phố. Chúng ta cũng đã biết chúng có thể làm những gì đối với các nạn nhân của chúng như phụ nữ, trẻ em, cộng đồng thiểu số và các con tin sau những gì diễn ra ở thành phố Mosul của Iraq. Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ hành động của liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo.”
Theo ước tính, hiện khoảng 12.000 dân thường vẫn ở bên trong hoặc gần Kobani, trong đó khoảng 700 người già đang ở trung tâm thị trấn.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/10 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ủng hộ các nỗ lực nhằm huấn luyện và trang bị cho lực lượng đối lập được coi là “ôn hòa” ở Syria. Dự kiến, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tới Ankara vào tuần tới để thảo luận về vấn đề này.
Còn tại Italy, trong một tuyên bố trên truyền hình, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho biết, nước này sẽ tăng cường can dự vào cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Thủ tướng Renzi cũng nhấn mạnh Italy hiện vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hậu cần cho liên quân quốc tế và cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq để chống lại Nhà nước Hồi giáo, nhưng trong thời gian tới, Italy sẽ can thiệp sâu rộng hơn vào các khu vực đang giao tranh với Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, ông Renzi không nói rõ liệu Italy có sử dụng lực lượng không quân để không kích các mục tiêu của IS như các đồng minh khác hay không.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Pedro Morenes hôm qua cho biết: Tây Ban Nha sẽ điều 300 binh sĩ đến Iraq để giúp huấn luyện quân đội nước này trong nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo./.
>> Xem thêm: Hiểm họa Hồi giáo cực đoan IS – vì sao lại thế?