Ngay sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phát động tấn công quân sự đối với Syria đêm 13/4 (giờ Mỹ) tức sáng 14/4 (giờ Việt Nam), ngay lập tức đã có thông tin về các cơ sở bị tấn công ở Syria. Dư luận tại Mỹ cũng như quốc tế cũng đã lên tiếng về cuộc không kích này.
Nhiều người dùng Twitter cho biết đã nghe thấy tiếng nổ lớn tại Damascus. Ảnh chụp màn hình. |
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, các cuộc tấn công bằng tàu khu trục tên lửa và máy bay chiến đấu tập trung vào 3 mục tiêu chính liên quan đến năng lực vũ khí hóa học của Syria, trong đó có một cơ sở nghiên cứu khoa học gần thủ đô Damacus, một kho vũ khí hóa học gần thành phố Homs và một sở chỉ huy cạnh đó.
Theo một số nguồn tin từ Syria thì một số đơn vị quân đội trung thành với Tổng thống Assad như Sư đoàn lục quân số 4 và Vệ binh cộng hòa cũng là mục tiêu của đợt tấn công này. Giới chức Mỹ cũng cho biết nước này đã sử dụng gấp đôi số lượng vũ khí trong đợt không kích sáng sớm 13 tháng 4 so với cuộc tấn công năm 2017 với khoảng hơn 120 tên lửa Tomahawk.
Trong khi đa số giới chức và nghị sỹ Mỹ ủng hộ quyết định tấn công Syria của Tổng thống Trump thì cũng có một số ý kiến lên tiếng phản đối. TNS John McCain hoan nghênh quyết định của ông Trump nhưng cho rằng Mỹ cần một chiến lược toàn diện hơn. Hạ nghị sỹ Elijah Cummings và một số nghị sỹ khác cho rằng hành động của ông Trump là vi hiến.
Theo hiến pháp Mỹ thì Quốc hội mới có quyền phát động chiến tranh chứ không phải Tổng thống. Tổng thống Trump phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội trước khi quyết định tấn công quân sự nhằm vào Syria. Một số chuyên gia Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ quyết định tấn công của Tổng thống Trump nhằm đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng ủng hộ ông Assad nhưng cho rằng hành động này không phải là sự thay đổi chính sách hiện nay.
Twitter ngập tràn hình ảnh và video được cho là vụ tấn công của Mỹ và các đồng minh vào Syria. |
Chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế Mỹ Richard Haass nhận định, chính quyền Tổng thống Trump đã không làm gì để làm suy yếu chế độ Assad, đồng thời đợt tấn công này cũng không làm rõ được tương lai chính sách của Mỹ đối với Syria.
Phản ứng sau vụ tấn công, Nga đã lên tiếng chỉ trích và phản đối mạnh mẽ hành động của Mỹ và phương Tây. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các nước phương Tây đã tấn công thủ đô của một quốc gia có chủ quyền và đang tích cực tham gia cuộc chiến chống khủng bố.
Nga cũng đề nghị Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp khẩn lên án hành động quân sự của Mỹ và đồng minh tại Syria đồng thời khẳng định các vụ tấn công của Mỹ không thể không gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Nga cũng chỉ trích Mỹ không có quyền đổ lỗi cho các nước khác trong khi việc chỉ trích Tổng thống Putin là không thể chấp nhận được.
Truyền thông quốc gia Syria đã lên tiếng tố cáo cuộc tấn công của Mỹ, Anh Pháp đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, và vẫn sẽ không cứu giúp được "các công cụ khủng bố ở Syria".
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo tích cực việc thu thập thông tin và phân tích tình hình liên quan đến việc liên quân Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria.
Bị Mỹ- Anh- Pháp dồn dập tấn công bằng tên lửa, Syria ráo riết đáp trả
Ngoại trưởng Taro Kono trong cuộc họp báo sáng ngày 14/4 (giờ Nhật Bản) tuy chưa nói rõ về phản ứng cụ thể của Nhật Bản với tư cách đồng minh của Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng : “Những ai sử dụng vũ khí hóa học sẽ phải bị trừng phạt”.
Đồng thời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Onodera Itsunori cũng dựa trên quan điểm coi trọng mối quan hệ đồng minh với Mỹ đã coi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là sự “quyết đoán” với mục đích ngăn chặn hành vi sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong khi đó một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng không có cách nào khác khi nói rằng hành động quân sự là vi phạm luật pháp quốc tế. Nhật Bản cũng có lập trường không cho phép sử dụng vũ khí hóa học, song việc ủng hộ một cách chính xác đối với chính quyền Mỹ cũng chưa có thể khẳng định có thể hay không thể.
Đây là lần thứ hai Mỹ tấn công Syria dưới thời Tổng thống Trump. Do cuộc tấn công lần trước vào Syria là đơn phương Mỹ thực hiện, nên Nhật Bản chỉ dừng lại ở mức “ủng hộ quyết định của Chính phủ Mỹ” và “hiểu được hành động tại sao Mỹ tấn công Syria”.
Tuy nhiên lần này không chỉ đơn phương Mỹ tấn công mà có cả Anh, Pháp, đồng thời lý do tấn công cũng rõ ràng hơn lần trước, nên có thể Nhật Bản sẽ tỏ rõ lập trường của mình về việc này trong thời gian sớm nhất./.