Thượng Nghị sĩ nói trên là ông Armando Benedetti-Thượng Nghị sĩ của Đảng Đoàn kết dân tộc cầm quyền. Đây được cho là một nỗ lực khác của Đảng Đoàn kết dân tộc cầm quyền nhằm cứu vãn thỏa thuận hòa bình với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia sau cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận hòa bình hôm 2/10 bị bác bỏ.
Phát biểu trước báo giới, ông Armando cho biết, đã đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia sớm gửi báo cáo về tình hình bỏ phiếu trong ngày 2/10 lên Tòa án Hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của cơ quan tư pháp tối cao này là xem xét đảm bảo việc người dân được thực hiện quyền ghi trong hiến pháp cả trước và sau mỗi cuộc bầu cử.
Chính trị gia này khẳng định, ít nhất 2 triệu cử tri Colombia dù mong muốn đã không thực hiện được quyền bỏ phiếu do không thể tiếp cận điểm bỏ phiếu vì tác động của các trận mưa giông mà siêu bão Matthew gây ra trong ngày 2/10; bên cạnh đó nhiều điểm bỏ phiếu cũng không hoạt động đầy đủ vì lý do tương tự.
Trước đó, cùng ngày, nhằm cứu vãn thỏa thuận hòa bình với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, Tổng thống Juan Manuel Santos đã có cuộc họp với cựu Tổng thống Alvaro Uribe, người đứng đầu phe phản đối thỏa thuận hòa bình đã được ký kết giữa chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia. Colombia trưng cầu dân ý về Hiệp định hòa bình chấm dứt nội chiến
Phát biểu sau cuộc họp kéo dài tới 4 giờ với người tiền nhiệm, Tổng thống Santos khẳng định, Colombia sẽ đạt được hòa bình trong tương lai gần.
Tuyên bố của ông Santos là một tin vui đối với những người ủng hộ hòa bình ở Colombia cũng như cộng đồng quốc tế: “Tất cả các công dân của Colombia, chúng ta đang đóng cánh cửa hòa bình và ổn định. Do vậy, nếu tất cả mọi người có nhu cầu về hòa bình và có trách nhiệm thì chúng ta hãy cùng nắm lấy hòa bình. Tôi mong muốn rằng, chúng ta không chỉ đạt được thỏa thuận hòa bình với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia mà còn duy trì hòa bình lâu dài”.
Hai nhà lãnh đạo cũng thỏa thuận thành lập một Ủy ban gồm đại diện các bên để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Colombia sau khi các cử tri nước này bác bỏ thỏa thuận hòa bình đã đạt được giữa Chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia sau gần 4 năm đàm phán, nhằm chấm dứt hơn 5 thập kỷ xung đột vũ trang đẫm máu.
Cựu Tổng thống Uribe cho biết, 3 đại diện của mỗi bên sẽ tham gia vào Ủy ban đàm phán nhằm tìm cách cứu vãn thỏa thuận đã được ký kết giữa Tổng thống Santos và thủ lĩnh Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia Rodrigo Londoño. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Colombia trong giai đoạn mới của nền dân chủ.
Tổng thống Santos cũng cho biết sẽ tiếp tục thảo luận với các lực lượng chính trị đối lập khác ở nước này trong những ngày tới về những đề xuất và yêu cầu đối với Thỏa thuận hòa bình với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia.
Trước đó, hàng nghìn người ủng hộ thỏa thuận hòa bình đạt được sau 4 năm đàm phán tại La Habana, Cuba cũng đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố của Colombia bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc xung đột vũ trang nội bộ kéo dài hơn nửa thế kỷ và cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người dân quốc gia Nam Mỹ này. Giải Nobel Hòa bình 2016 thuộc về Tổng thống Colombia
Một sinh viên đại học tham gia tuần hành nói: “Chúng tôi mong muốn quá trình hòa bình phải được tăng tốc bởi những gì đang diễn ra cho thấy, lệnh ngừng bắn song phương hiện vẫn chưa xác định. Chúng tôi muốn hòa bình chứ không phải là chính trị hóa, hòa bình cho người dân Colombia chứ không phải cho các đảng phái chính trị, cho các Tổng thống”.
Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10, thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia bị bác bỏ với tỷ lệ sít sao, khi 50,8% số cử tri bỏ phiếu trả lời “Không” với thỏa thuận. Tuy nhiên tỷ lệ cử tri tham gia thấp, chỉ 37%, được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả đầy bất ngờ này./.