Hôm nay (2/10), cử tri Colombia đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Hiệp định hòa bình mà Chính phủ vừa đạt được với phe đối lập Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia.

hoa_binh_colombia_xobk.jpg
Người dân Colombia xúc động khi FARC và chính phủ nước này được thỏa thuận hòa bình lịch sử vào tháng 6/2016. Ảnh: AP.

Thỏa thuận này sẽ chấm dứt hơn nửa thế kỷ xung đột tại quốc gia Nam Mỹ này và mở đường cho Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia trở thành một đảng phái chính trị cánh tả.

Để được thông qua, Hiệp định này phải nhận được ít nhất 4,4 triệu phiếu ủng hộ, tương đương 13% số cử tri đăng ký của Colombia và phải cao hơn số phiếu phản đối.

Chính phủ Colombia khẳng định, mọi công tác chuẩn bị cho thời khắc quan trọng này đã hoàn tất.

Người đứng đầu cơ quan đăng ký bầu cử của Colombia, ông Juan Carlos Galindo cho biết: “Việc phân phát tài liệu để bỏ phiếu đã diễn ra hoàn toàn bình thường. Các thùng phiếu, lá phiếu, tờ thông tin đều được phân phát hết mà không gặp cản trở nào. Tình hình ổn định khiến tiến trình chuẩn bị tranh cử diễn ra đúng lịch trình. Tôi có thể khẳng định với người dân Colombia rằng mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát và cả đất nước đã sẵn sàng cho cuộc trưng cầu dân ý lịch sử này.”

Ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý này, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia hôm qua (1/10) tuyên bố sẽ bồi thường cho các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang hơn nửa thế kỷ qua. Đây là một động thái tích cực nhằm thể hiện thiện chí của Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia góp phần khích lệ cử tri nước này bỏ phiếu thông qua Hiệp định hòa bình.

Văn bản này vốn cũng đã yêu cầu Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia giao lại toàn bộ tiền bạc và tài sản trước khi chuyển giao thành một đảng phái chính trị.

Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia Humberto de la Calle cho biết: “Điều này cho thấy chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu trong thỏa thuận đã nhất trí. Nó cũng cho thấy chúng tôi không bao giờ nói dối người dân Colombia. Chúng tôi luôn nói rằng sẽ có bồi thường vật chất và đây chính là điều đó. Tôi cho rằng điều này sẽ giải tỏa khúc mắc cho nhiều người dân Colombia trong khi chúng ta đang chờ đợi thời khắc quan trọng nhất của tiến trình hòa bình.”

Hiệp định hòa bình có 5 phần cũng bao gồm điều khoản thành lập các tòa án đặc biệt để xét xử những tay súng phạm tội trong chiến tranh và bồi thường cho nạn nhân.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos bày tỏ hy vọng cử tri có thể thông qua thỏa thuận hòa bình và quá trình chuyển giao mà 2 bên đã nhất trí: “Tôi hy vọng trong lần thử thách này, chúng ta có thể chứng tỏ nền dân chủ thực sự hoạt động có hiệu quả và kết quả dù có như thế nào thì đó cũng là điều mà tất cả người dân Colombia lựa chọn và chấp nhận. Tôi hy vọng chúng ta có thể cùng nhau xây dựng hòa bình bởi vì cuộc trưng cầu dân ý này định đoạt việc chúng ta có thể chấm dứt một cuộc chiến và giải giáp hay không. Tiến trình xây dựng hòa bình sẽ bắt đầu từ đó.”

Ông Santos, 64 tuổi, bắt đầu khởi động tiến trình hòa bình với lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia từ năm 2012 và gần như đã đặt cược sinh mạng chính trị của mình vào sự thành bại của kế hoạch này. Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc trưng cầu dân ý cho thấy Hiệp định hòa bình Colombia nhiều khả năng sẽ được thông qua./.