Hãng Citigroup Inc có kế hoạch bán vài tấn vàng mà ngân hàng trung ương Venezuela dùng làm thế chấp cho khoản vay 1,6 tỷ USD khi hạn mua lại số vàng này đáo hạn vào tháng 3 này.

ngan_hang_citibank_piwe.jpg
Logo ngân hàng Citibank. Ảnh: Reuters.

Nếu điều này diễn ra thì đây là một trở ngại lớn cho các nỗ lực của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong việc duy trì nguồn dự trữ đang co ngót dần của đất nước này.

Kể từ năm 2014, chính quyền Tổng thống Maduro đã sử dụng các hoạt động tài chính “đổi vàng” để huy động nguồn dự trữ quốc tế, tiếp cận tiền mặt sau khi nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm khiến quốc gia này gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm ngoại tệ mạnh.

Tuy nhiên, riêng trong 2 năm qua, Venezuela lại gặp khó trong việc lấy lại khoản thế chấp của mình.

Dưới các điều khoản của thỏa thuận năm 2015 với ngân hàng Citibank của Citigroup, Venezuela sẽ phải trả lại khoản nợ 1,1 tỷ USD vào ngày 11/3, theo các nguồn tin quen thuộc với tình hình Venezuela. Phần còn lại của khoản nợ sẽ đáo hạn vào năm 2020.

Citibank có kế hoạch bán số vàng dùng làm vật bảo đảm này – số vàng đó có giá trị thị trường khoảng 1,358 tỷ USD, để khôi phục lại lượng lớn tiền vay và sẽ gửi số tiền thừa là 258 triệu USD vào một tài khoản ngân hàng ở New York, theo 2 nguồn tin.

Năng lực của chính quyền ông Maduro trong việc thanh toán nợ gặp khó khăn lớn do tình trạng kinh tế thảm hại của quốc gia Nam Mỹ này cũng như các lệnh trừng phạt tài chính do Mỹ và một số nước châu Âu áp đặt.

Hầu hết các quốc gia phương Tây cho rằng việc ông Maduro tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2 là do yếu tố gian lận bầu cử, các nước này công nhận thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống hợp pháp.

Ông Guaido sử dụng hiến pháp Venezuela để tự phong mình làm tổng thống lâm thời Venezuela hồi tháng 1. Tuy nhiên, ông Maduro vẫn nắm quyền kiểm soát các thể chế nhà nước và giành được sự ủng hộ của quân đội. Ông Maduro coi ông Guaido là con rối của Mỹ./.