Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2kết thúc, truyền thông và giới chuyên gia Mỹ tiếp tục có những phân tích, đánh giá và nhìn nhận khác nhau về sự kiện này. Dù trước đó, truyền thông và nhiều chuyên gia Mỹ không đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả hội nghị tuy nhiên việc không có một thỏa thuận cũng là một bất ngờ vì hầu hết các dự đoán trước đó mặc dù cho rằng kết quả sẽ không đáng kể nhưng sẽ có một điều gì đó cụ thể.

chuyen_gia_anthony_nelson_thuoc_tap_doan_tu_van_albright_stonebridge_wszc.jpg
Chuyên gia Anthony Nelson thuộc tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge.

Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ có cuộc trao đổi với ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge về vấn đề này. Ông Anthony Nelson nhận định, vẫn còn khả năng có tiến triển trong đàm phán sau thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Phóng viên:
Tại sao hai bên lại không thể đạt được một thỏa thuận chung mặc dù trước đó các bên đều bày tỏ sự lạc quan về cuộc gặp này thưa ông?

Ông Anthony Nelson:Bình thường với một cuộc gặp ở cấp cao như thế này thì kết quả đã phải được thảo luận trước  và các nhà lãnh đạo chỉ tới để hoàn thiện các chi tiết cuối cùng. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump muốn tham gia vào quá trình đàm phán và đưa ra quyết định của ông. Với tính cách khó đoán định của ông Trump thì một kết quả sẽ rất khó dự đoán. Có nhiều nguồn tin cho rằng có thể đã có những thỏa thuận giữa hai bên ở các cấp khác nhau, tuy nhiên với tính cách của Tổng thống Trump thì các cuộc gặp như vậy sẽ khó có thể đi theo hướng đã định.

Phóng viên:
Tổng thống Trump tuyên bố hai bên bất đồng ở chỗ Triều Tiên muốn dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt trong khi Triều Tiên nói rằng chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần các chế tài này, tại sao lại có sự khác biệt giữa tuyên bố của hai bên thưa ông?

Ông Anthony Nelson:Dường như đã có bất đồng giữa hai bên về khái niệm tất cả các lệnh trừng phạt. Triều Tiên tuyên bố muốn dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với dân thường của nước này. Tuy nhiên, tùy theo cách mỗi người nhìn nhận vì hâu hết các biện pháp trừng phạt đều ảnh hưởng tới dân thường theo một cách nào đó. Thật khó để biết vì sao có sự khác biệt trong tuyên bố của hai bên trừ khi chúng ta có thông tin từ những người trực tiếp tham gia đàm phán, tuy nhiên theo tôi hai bên đã có một sự hiểu nhầm nào đó.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: KCNA.

Phóng viên:
Ngoài vấn đề dỡ bỏ trừng phạt, liệu còn vấn đề nào khác dẫn tới việc hai bên không đạt được thỏa thuận chung không, thưa ông?

Ông Anthony Nelson:Một trong những vấn đề được đề xuất đó là khả năng Mỹ nêu lên một số các cơ sở hạt nhân khác ngoài cơ sở Dâng Biên đã được công khai trước đây. Điều đó đã gây khó dễ đối với Triều Tiên. Một vấn đề nữa có thể khiến phía Triều Tiên không cảm thấy thoải mái đó là phong cách đàm phán không cần chuẩn bị của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là tốc độ thay đổi quan điểm giữa hai bên. Triều Tiên muốn ngay lập tức được dỡ bỏ trừng phạt trong khi Mỹ muốn duy trì các chế tài này để đảm bảo Triều Tiên tuân thủ các cam kết của mình.

Phóng viên: 
Mặc dù hai bên không đạt được một thỏa thuận chung, Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt trong khi Triều Tiên sẽ không tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân. Vậy điều này có phải một cơ sở tốt cho các cuộc đàm phán tiếp theo hay không thưa ông?

Ông Anthony Nelson: Cuộc gặp giữa hai bên đã kết thúc với không khí vui vẻ mặc dù hai bên không thể đạt được Tuyên bố chung sau đàm phán. Điều đáng tiếc là sau nhiều công sức chuẩn bị hai bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, vẫn có khả năng trong một vài ngày nữa chúng ta có thể sẽ thấy một vài thỏa thuận nhỏ mà có thể đem lại tiến triển trong đàm phán. 1 vấn đề mà đã được đề cập tới gần đây đó là mở văn phòng liên lạc nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Những bước tiến nhỏ như vậy sẽ mang lại tiến triển trong đàm phán.

Phóng viên:
Có ý kiến cho rằng cuộc gặp này không nên diễn ra khi hai bên chưa đạt được các thỏa thuận, đặc biệt là ở cấp chuyên viên, quan điểm của ông về điều này thế nào?

Ông Anthony Nelson:Tôi thì luôn cho rằng các cuộc gặp như vậy sẽ thành công hơn nếu được chuẩn bị tốt còn chuyện cuộc gặp này nên hay không nên diễn ra thì còn tùy cách nhìn nhận của chính quyền Tổng thống Trump. Việc cuộc gặp này không đạt được một thỏa thuận trong khi đang có nhiều vấn đề trong nước bao gồm các phiên điều trần đối với Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, có thể sẽ khiến chính quyền của ông phải đưa ra nhiều nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận và đó là một điều tiêu cực. Tuy nhiên, nếu chính quyền Tổng thống Trump có thể củng cố nội bộ, có một tầm nhìn xa hơn và quay lại bàn đàm phán đồng thời không phải chịu sức ép phải đạt được gì đó thì sự ảnh hưởng sẽ không đáng kể.   

Phóng viên: 
Dù kết quả cuộc gặp ra sao thì công tác tổ chức của Việt Nam cũng đã được ghi nhận, vậy ông có nghĩ Việt Nam có tiếp tục được chọn để tổ chức các sự kiện quan trọng như cuộc gặp này trong tương lai không, thưa ông? 

Ông Anthony Nelson:Các cuộc gặp như này rất đặc biệt do đó khó có thể nói sẽ có một cuộc gặp như vậy nữa được tổ chức tại Việt Nam, tuy vậy, Việt Nam đã được nhiều từ việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Việt Nam đã xử lý mọi việc rất tốt, đón tiếp hai đoàn lớn khác nhau và tạo điều kiện cho một lượng lớn phóng viên quốc tế tác nghiệp. Việt Nam đã và đang trở thành một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng. Tôi cho rằng Việt Nam đã để lại một dấu ấn trong việc tổ chức sự kiện này.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!