Nhà quan sát quân sự và chính sách quốc phòng từ Viện nghiên cứu An ninh và Chiến lược Indonesia (ISESS), ông Khairul Fahmi cho rằng, việc liên minh Mỹ, Australia và Anh (AUKUS) xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân là mối đe dọa không chỉ cho Indonesia, mà còn cho khu vực Đông Nam Á và cả Châu Á - Thái Bình Dương, vốn thường xuyên phải đối mặt với những thách thức ở cả trên không và trên biển.
Ông Khairul đánh giá động thái của Bộ Ngoại giao Indonesia đến nay là phù hợp tuy nhiên về mặt chính sách quốc phòng, Indonesia sẽ phải điều chỉnh, phát triển lực lượng để tăng khả năng giám sát và thực thi chủ quyền. Theo ông Khairul, những gì Australia đang làm còn ảnh hưởng tới quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Chính phủ Indonesia sẽ có thái độ thận trọng hơn đối với Australia.
Trong khi đó, chuyên gia luật quốc tế từ Đại học Indonesia, ông Hikmawanto Juwana cho rằng, chưa biết chính xác mục đích chế tạo tàu ngầm hạt nhân của chính phủ Australia là gì. Do đó, không ngạc nhiên khi chính sách này làm dấy lên nhiều nghi vấn, trong đó có việc liệu tàu ngầm hạt nhân này được chế tạo để bảo vệ khu vực, đặc biệt là trước những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc hay còn có mục đích nào khác?
Theo ông Hikmawanto, ASEAN hiện có Tuyên bố về Khu vực Hoà bình, Tự do, Trung lập (ZOPFAN); Hiệp ước thân thiện và hòa bình (TAC) cũng như Hiệp ước về Khu vực Cấm Vũ khí Hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ). Do đó, có thể ASEAN sẽ từ chối tàu ngầm hạt nhân của Australia đi vào vùng biển Đông Nam Á và điều này có thể sẽ gây xung đột trong quan hệ giữa hai bên.
Ông đề xuất chính phủ Indonesia thiết lập liên lạc và phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác để tìm cách ngăn tàu ngầm hạt nhân của Australia không đi vào vùng biển Đông Nam Á. Và nếu có sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Indonesia phải kêu gọi sự chú ý của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Thành viên Ủy ban I của Hạ viện Indonesia, bà Christina Aryani, cũng cho rằng Indonesia cần chủ động và thận trọng đối phó với việc Australia, Mỹ và Anh thành lập một liên minh AUKUS. Trong một tuyên bố văn bản ngày 18/9, bà Christina cho biết đây là mối quan tâm của Indonesia vì điều này sẽ tác động đến tình hình khu vực vốn cần được xây dựng theo hướng ổn định, an toàn và hòa bình.
Chính trị gia của Đảng Golkar nhận định, điểm quan trọng trong kế hoạch hành động đối tác toàn diện (2020-2024) là Australia và Indonesia cùng nâng cao cảnh giác để duy trì hòa bình và an ninh, bao gồm cả trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, những bước đi mạnh mẽ của Australia lần này nhằm phát triển quân đội sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và sức mạnh quân sự, đe dọa sự ổn định trong khu vực. Theo chính trị gia Indonesia, mặc dù có chính sách đối ngoại tự do và tích cực, nhưng Indonesia vẫn cần phải có lập trường rõ ràng nếu những diễn biến và động lực này có khả năng đe dọa an ninh quốc gia cả trực tiếp và gián tiếp.
Trước đó, Indonesia đã bày tỏ quan ngại về việc thỏa thuận của liên minh AUKUS trong việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân sẽ thúc đẩy các cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Trong tuyên chính thức ngày 17/9, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Australia cam kết tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và khuyến khích Australia tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực theo Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC).
Indonesia cũng kêu gọi Australia và các bên liên quan tiếp tục thúc đẩy đối thoại trong việc giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, đặc biệt tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực./.