Mới đây, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia, ông Syarief Hasan cho rằng việc Trung Quốc thông qua Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi hồi đầu tháng phản ánh yêu sách đơn phương của quốc gia này đối với phần lớn diện tích Biển Đông đã được cụ thể hóa trở thành pháp quyền.
Tuyên bố chủ quyền thông qua “đường chín đoạn” trên Biển Đông của Trung Quốc nhiều lần bị bác bỏ trong các phán quyết pháp lý quốc tế khác nhau, trong đó có phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.
Ông Syaref cho biết, Indonesia kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Phó Chủ tịch Quốc hội Indonesia khẳng định: Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc cho thấy quốc gia này có ý định sáp nhập lãnh thổ của nhiều quốc gia trong ASEAN, bao gồm vùng biển Natuna của Indonesia vào lãnh thổ Trung Quốc. Đây là thái độ hiếu chiến, không tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác, là mối đe dọa đối với sự tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế và có thể dẫn đến xung đột ở vùng biển Natuna.
Chính trị gia Indonesia này kêu gọi chính phủ ngoài việc gửi công hàm phản đối cũng phải có biện pháp quyết đoán hơn để khẳng định chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời chuẩn bị lực lượng quân đội để đối phó với “lời tuyên chiến” của Trung Quốc.
Cùng ý kiến, Giáo sư Luật Quốc tế tại Đại học Indonesia, Hikmahanto Juwana, đánh giá: Luật mới của Trung Quốc áp đặt các quy tắc báo cáo bắt buộc đối với một số tàu nước ngoài khi đi vào lãnh hải của họ, bao gồm phần lớn diện tích Biển Đông mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền, là một hình thức khiêu khích. Chắc chắn rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không đồng ý với điều này bởi họ luôn đấu tranh cho nguyên tắc "tự do hàng hải'".
Trong nhiều cuộc họp quốc tế trước đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định trên Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982./.