Cũng giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, giới chuyên môn tại Australia cũng đang thảo luận về sự cần thiết của việc tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường và cả mũi thứ ba. Tuy nhiên, trước tiên cần phải phân biệt 2 loại mũi tiêm này. Mũi tiêm tăng cường được tiêm khi khả năng miễn dịch của vaccine bị suy giảm còn mũi vaccine thứ ba được tiêm như một phần trong kế hoạch tiêm chủng ban đầu.
Tại Australia, mặc dù đến lúc này chưa có bất kỳ quyết định chính thức nào về việc tiêm mũi vaccine thứ ba cũng như mũi vaccine tăng cường, song Bộ trưởng Y tế nước này, ông Greg Hunt từng cho rằng, việc tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba chỉ nên được đề cập vào thời điểm 12 tháng sau khi tiêm mũi thứ nhất. Trong khi đó, giáo sư Allen Cheng, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và cũng là đồng chủ tịch Nhóm tư vấn tiêm chủng của nước này cho biết, Australia sẽ không cân nhắc về việc tiêm mũi vaccine thứ ba vào thời điểm mà tất cả mọi người chưa được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Phó giáo sư Nicholas Wood thuộc Trung tâm Nghiên cứu và giám sát tiêm chủng quốc gia của Australia cho rằng, với một số người bị suy giảm hệ miễn dịch thì cần được tiêm vaccine lần thứ ba để có một lượng kháng thể tốt. Với trường hợp của Australia, Phó giáo sư Nicholas Wood cho rằng, nước này nên tập trung tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine cho tất cả mọi người vào trước dịp Giáng sinh năm nay và với những người có hệ miễn dịch kém thì sẽ cân nhắc tiêm mũi thứ ba. Sau đó đến năm tới có thể sẽ cân nhắc đến liều tăng cường phù hợp với biến thể lưu hành vào thời điểm đó.
Giáo sư Kim Mulholland thuộc trường Đại học Melbourne và là thành viên của Nhóm cố vấn chiến lược của WHO về tiêm chủng cho biết, không có gì là bất thường đối với vaccine khi cần phải tiêm đến 3 mũi và khoảng cách giữa mũi hai và mũi ba là vài tháng. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi mà cả thế giới vẫn còn đang thiếu vaccine thì việc tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường có thể bị coi là vi phạm nghiêm trọng về vấn đề đạo đức, đồng thời gây lãng phí vaccine./.