Mặc dù số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại châu Á đang gia tăng, song tiến bộ trong quá trình chống dịch có thể bị chậm lại do sự xuất hiện của những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, khiến người dân nảy sinh tâm lý do dự khi tiêm phòng.
Tin sai sự thật - thách thức lớn trong chiến dịch tiêm chủng
Indonesiađã phát hiện và gỡ bỏ 2.000 thông tin sai lệch liên quan đến vaccine trên mạng xã hội. Trước đó vào tháng 7, một tài khoản đã đăng tải hình ảnh 5 chiếc quan tài trong một nhà thờ Hồi giáo, với dòng chú thích cố ý gây hoang mang rằng chúng chứa thi thể của những người vừa mới tiêm phòng trong cùng 1 gia đình.
Còn tại Philippines, hồi tháng 8, Bộ Y tế nước này đã gỡ bỏ 1 video đăng trên tài khoản Facebook mang tên “Doc Ron”, khẳng định vaccine của Pfizer có chứa virus HIV.
Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai sự thật được đăng tải trên mạng xã hội. Khảo sát của Nikkei cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, có tới 110.000 bài đăng trên Twitter dẫn thông tin cho rằng, tiêm vaccine có thể dẫn tới vô sinh.
Tại nhiều quốc gia châu Á, chính phủ và các chuyên gia đang cố gắng giao tiếp hiệu quả hơn với người dân, tìm cách ngăn chặn các chặn nỗ lực truyền bá thông tin sai sự thật. Dù đã đạt được một số hiệu qủa nhất định những vẫn khó loại bỏ tâm lý do dự tiêm vaccine. Đây là lý do tại sao châu Á vẫn phải trải qua một chặng đường dài trước khi đạt được mức độ phủ sóng vaccine cần thiết để nối lại các hoạt động bình thường.
Nhật Bản đã tiêm vaccine đầy đủ cho khoảng 50% dân số kể từ khi phát động chiến dịch tiêm chủng trong năm nay. Riêng với nhóm người cao tuổi đã có 88% được tiêm phòng đầy đủ. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều người trẻ tuổi chưa đi tiêm phòng bệnh. Dựa trên các nghiên cứu tại Tokyo và khu vực lân cận vào tháng 7 vừa qua, một ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật Bản cho biết, chỉ có khoảng 45% số người trong độ tuổi 20 và 30 đã tiêm vaccine hoặc muốn tiêm phòng, trong khi có số này ở những người trong độ tuổi 40-50 là 60%. Ủy ban trên cho biết, con số lý tưởng là hoàn thành tiêm chủng cho 80% số người cao tuổi và 75% số người trẻ tuổi.
Hiện các quan chức và các chuyên gia nước này đang nỗ lực để thuyết phục những người do dự đi tiêm phòng, đặc biệt là người trẻ tuổi. Ông Taro Kono, Bộ trưởng phụ trách vaccine và cuộc chiến chống Covid-19 của Nhật Bản cho biết: “Có những tin đồn sai sự thật chẳng hạn như vaccine Covid-19 khiến mọi người vô sinh. Tôi hy vọng các bạn sẽ tiêm vaccine mà không cảm thấy sợ hãi”.
Các nước trên thế giới có mức độ do dự tiêm vaccine khác nhau. Theo Our World in Data, tính đến đầu tháng 9, khoảng 40% dân số Mỹ vẫn chưa được tiêm phòng và con số này ở Anh hoặc Israel chiếm 30%.
Tại Philippines – nơi có 15,4% dân số được tiêm phòng đầy đủ tính đến ngày 12/9, một cuộc khảo sát hồi tháng 6 cho thấy, 43% số người được hỏi nói rằng họ muốn tiêm phòng, 36% không muốn tiêm và số còn lại đã được tiêm hoặc vẫn chưa đưa ra quyết định. Trước đó trong cuộc khảo sát vào tháng 2, chỉ có 16% số người được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm ngừa vaccine.
Indonesia cũng có khoảng 15,4% dân số được tiêm phòng đầy đủ trước ngày 12/9. Có nhiều yếu tố dẫn đến sự chậm trễ trong việc cung cấp và phân phối vacine. Một cuộc khảo sát do công ty thăm dò Indikator Politik có trụ sở tại Jakarta công bố vào ngày 25/8 cho biết, 60% số người được hỏi nói rằng “ít sẵn sàng” hoặc “không muốn” tiêm vaccine và một nửa trong số này bày tỏ lo ngại về phản ứng phụ của vaccine.
Ông Shinichi Yamaguchi, phó giáo sư tại Đại học Quốc tế Nhật Bản chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội cho biết, sự xuất hiện tin giả hoặc thông tin sai lệch về vaccine không phải là điều đáng ngạc nhiên. Theo ông, sở dĩ một số người chia sẻ những thông tin này là do họ tức giận hoặc lo lắng. “Ai cũng có thể bị lừa gạt, bất kể tuổi tác hay giới tính”.
Điều gì dẫn đến tâm lý lo ngại vaccine?
Chống lại nạn tin giả là một thách thức lớn đối với các chính phủ. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet vào năm 2020, Nhật Bản là một trong những quốc gia có mức độ tin tưởng vaccine thấp nhất trên thế giới kể cả trước đại dịch.
Indonesia – quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất trên thế giới, trước đây từng chứng kiến làn sóng tẩy chay một số loại vaccine vì chúng được coi là không hợp với quy định của đạo Hồi. Đạo Hồi cấm tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn, trong khi một chất thường được dùng trong chế tạo các loại vaccine có nguồn gốc từ lợn là galetin đã gây ra nhiều lo ngại. Việc phê chuẩn vaccine tại Indonesia bắt buộc phải được xem xét bởi Hội đồng Hồi giáo Ulama (MUI) – một nhóm giáo sỹ có ảnh hưởng. Một cuộc thăm dò do Indikator Politik thực hiện cho biết, 4% số người được hỏi nói rằng họ không tin hoặc không chắc vaccine do chính phủ cung cấp có phù hợp hay không.
Ngoài việc yêu cầu các phương tiện truyền thông gỡ bỏ những thông tin sai sự thật, nhà chức trách Indonesia đã khỏi động một chương trình xóa mù kỹ thuật số để giáo dục người dân không nên dễ dàng tin tưởng những nội dung được lan truyền trên Internet.
Còn ở Philippines, những cáo buộc vô căn cứ về việc vaccine sốt xuất huyết khiến trẻ em tử vong vốn gây xôn xao dư luận cách đây vài năm đã làm dấy lên sự hoài nghi về hiệu quả của vaccine suốt một thời gian dài.
Chuyên gia Yoshimura thuộc dự án Cov-Navi của Nhật Bản cho rằng, chìa khóa để chống dịch Covid-19 là cung cấp cho người dân những thông tin chính xác, dễ hiểu. Ông cũng nói rằng, chính phủ các nước cần phải nỗ lực để giáo dục thanh thiếu niên, thậm chí những người trẻ hơn và các bậc phụ huynh về các biện pháp phòng chống Covid-19, cũng như gia tăng niềm tin với vaccine.
Theo ông Yoshimura, tâm lý lo ngại hiệu quả của vaccine không phải là trở ngại duy nhất đối với quá trình tiêm chủng. Vẫn còn nhiều công việc phải thực hiện liên quan đến việc cung cấp vaccine cho những người muốn được tiêm phòng. Tại Nhật Bản, việc tiêm chủng ở một số trường đại học và công ty đã bị dừng lại do thiếu nguồn cung.
Vaccine ngừa Covid-19 được cho là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tình tiến triển nặng khiến người bệnh phải nhập viện điều trị. Ông Yoshimura cho biết: “Cho dù số lượng giường bệnh tăng lên và công suất của bệnh viện tăng cao bao nhiêu chăng nữa thì chúng ta vẫn phải tìm cách ngăn ngừa sự lây nhiễm. Cùng với biện pháp giãn cách xã hội và kiểm soát biên giới, tiêm chủng được coi là biện pháp hiệu quả nhất để chống lại Covid-19”./.