Theo những người am hiểu về chiến dịch mật đó, Mỹ từng phát động chiến dịch này 5 năm trước nhưng đã đại bại.
may_tinh_trieu_tien_mqvy.jpg
Hệ thống vi tính tại một trung tâm điều khiển vệ tinh của Triều Tiên (ảnh: AP)

Chiến dịch này diễn ra đồng thời với cuộc tấn công khét tiếng của virus máy tính Stuxnet từng phá hoại thành công chương trình hạt nhân của Iran vào năm 2009 và 2010 thông qua việc phá huy khoảng 1000 máy ly tâm làm giàu uranium.

Hãng Reuters và một số hàng khác từng đưa tin rằng cuộc tấn công bằng virus máy tính vào Iran là nỗ lực chung của các lực lượng Mỹ và Israel.

Theo một nguồn tin tình báo Mỹ, những người phát triển virus Stuxnet đã chế ra một virus tương tự có khả năng kích hoạt khi gặp phải các định dạng dùng tiếng Triều Tiên trên một thiết bị bị nhiễm virus máy tính.

Thế nhưng, theo một nguồn tin khác là một cựu quan chức tình báo cấp cao, các virus của Mỹ đã không thể tiếp cận các máy chủ chốt vận hành chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Vị quan chức này cho hay chiến dịch do Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) chỉ đạo đã bị cản trở bởi độ bí mật tuyệt đối của Triều Tiên cũng như mức độ cách ly lớn của hệ thống liên lạc nước này.

Một nguồn tin thứ 3 cho biết ông có nghe tới sự thất bại của cuộc tấn công mạng nhưng không biết rõ chi tiết.

Triều Tiên sở hữu một trong các hệ thống liên lạc cổ lỗ sĩ nhất trên thế giới. Việc sở hữu một chiếc máy vi tính cũng đòi hỏi phải có sự cho phép của cảnh sát. Internet kết nối với thế giới bên ngoài chỉ dành cho một thiểu số tinh hoa. Đất nước này chỉ có một tuyến kết nối internet duy nhất với thế giới bên ngoài qua ngả Trung Quốc.

Trái lại, người Iran lướt web một cách rộng rãi và tương tác với các công ty toàn cầu.

Một phát ngôn viên của NSA từ chối bình luận về thông tin này. NSA cũng từng từ chối bình luận về vụ tấn công Iran bằng virus Stuxnet.

Mỹ đã mở nhiều chiến dịch gián điệp mang, nhưng Triều Tiên và Iran là 2 nước duy nhất cho đến nay bị tấn công bằng các phần mềm chuyên phá hủy thiết bị./.