Bệnh nhân nhiễm cúm A H7N9 đầu tiên ở tỉnh Chiết Giang đã được xuất viện ngày 19/4 (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người đứng đầu văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Trung Quốc, Michael O'Leary cho biết, 15 chuyên gia Trung Quốc và thế giới đã được cử tới thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải để tìm hiểu thêm thông tin về dịch cúm H7N9, tính đến nay đã làm 18 người thiệt mạng.
Theo ông O'Leary, trước mắt các chuyên gia sẽ tập trung tìm hiểu xem loại virus mới này ảnh hưởng đến người như thế nào. Các bằng chứng được thu thập đến nay cho thấy gia cầm chỉ là một phương tiện truyền nhiễm song các xét nghiệm dịch tễ học chưa chỉ rõ được cơ chế truyền nhiễm này.
Ông O'Leary khẳng định, mặc dù xuất hiện một số ca nhiễm có tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân cúm H7N9, nhưng vẫn chưa có đủ chứng cứ để khẳng định virus H7N9 đã lây nhiễm từ người sang người. Ông O'Leary cũng cho biết, việc Tổ chức Y tế Thế giới cử nhóm chuyên gia đến Trung Quốc không có nghĩa là dịch cúm ở đây đang diễn biến nguy hiểm, đồng thời khuyên người dân vẫn có thể ăn thịt gia cầm nếu chúng được chế biến chín.
Cùng ngày, tại tỉnh Triết Giang miền đông Trung Quốc đã có ca nhiễm cúm H7N9 đầu tiên được điều trị khỏi ra viện, nâng tổng số người được điều trị khỏi ra viện lên 7 người. Trong hội nghị bàn về công tác phòng chống dịch cúm H7N9 ngày hôm qua, chính phủ Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh việc đảm bảo kinh phí điều trị, cũng như các ca nhiễm cúm được đưa đi điều trị kịp thời, nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất cho các bệnh nhân lây nhiễm./.