Tính đến ngày 18/4, Trung Quốc đã có 83 người nhiễm cúm H7N9, trong đó có 17 ca tử vong. Ngành y tế Trung Quốc không loại trừ nguy cơ lây lan từ người sang người ở phạm vi gia đình và vẫn tiến hành các biện pháp tiêu hủy đàn gia cầm ở những khu vực có nguy cơ cao.

Một bé gái 7 tuổi tại Bắc Kinh bị nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 hôm 17/4, đã được ra viện.Theo các bác sĩ, bệnh nhân 7 tuổi đã hồi phục sau bảy ngày điều trị kết hợp Tây và Đông y.

h7n91.jpg
Trung Quốc tích cực xét nghiệm mẫu bệnh H7N9 (Ảnh Reuters)

Về tình hình dịch bệnh ông Trình Quân, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị cho bé gái cho biết: “Do vẫn có một số ca mắc lác đác ở Bắc Kinh, nên chúng tôi chưa thể dự đoán chính xác trước điều gì nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm các ca mắc. Do vậy, chúng ta vẫn cần phải cảnh giác và cảnh báo người dân rằng, dịch bệnh vẫn rình rập. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn trong vòng kiểm soát, có thể phòng tránh và có thể chữa khỏi một số trường hợp”.

Theo Tân Hoa Xã, một cậu bé 4 tuổi xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus H7N9 hôm 15/4 nhưng đến nay chưa có dấu hiệu bị cúm và vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.

Trong khoảng hai tuần kể từ khi công bố, dịch cúm H7N9 đã lan từ miền Đông Trung Quốc đến các vùng cách khu vực này hàng trăm km.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy chủng virus này lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, các quan chức y tế Trung Quốc cho biết, không loại trừ việc lây nhiễm có giới hạn từ người sang người vì đã xác nhận được thông tin một số trường hợp lây nhiễm từ người thân trong gia đình. Bệnh nhân 87 tuổi ở Thượng Hải, người đầu tiên mắc cúm H7N9 và một trong các con trai của ông đã tử vong vì cúm gia cầm trong khi người con thứ hai cũng mắc cúm nhưng đã qua khỏi.

Tuy nhiên, Cơ quan y tế Trung Quốc chưa xác định 3 người này nhiễm virus từ gia cầm bệnh hay do môi trường bị ô nhiễm hay lây từ người sang người. Đáng chú ý, khoảng 40% số người xét nghiệm dương tính với virus H7N9 ở Trung Quốc không tiếp xúc với gia cầm.

Giáo sư Leo Poon, Đại học Hồng Kông, Trung Quốc cho biết: “Tôi nghĩ điều chúng ta phải làm là triệt tiêu nguồn lây bệnh, thanh toán virus ở đàn gia cầm.  Ít ra là chúng ta nên giám sát tốt và giám sát trên quy mô rộng. Trung Quốc rộng lớn có nhiều trang trại, chợ. Do đó, cần giám sát chặt ở những khu vực này và xét nghiệm mẫu bệnh”.

Nông dân ở Tỉnh Phúc Kiến bắt đầu tiêu hủy vịt và trứng vịt để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Nhiều thành phố khác cũng tiến hành tiêu hủy hàng loạt gia cầm và người dân ngừng ăn thịt gia cầm do lo ngại nhiễm bệnh./.