Trong khi đó, các cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về vấn đề này vẫn giậm chân tại chỗ. Chính phủ một số nước phương Tây thì dường như cũng đang rậm rịch để “ra tay” với quốc gia Trung Đông này. 

Tổ chức bác sĩ không biên giới hôm qua (24/8) dẫn các nguồn tin y tế cho biết, đã có 335 người thiệt mạng và gần 4.000 người khác có dấu hiệu nhiễm chất độc thần kinh tại Syria, sau khi có các cáo buộc về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại ngoại ô thủ đô Damascus. Tuy nhiên tổ chức này cũng tỏ ra khá dè dặt khi nhấn mạnh về mặt khoa học chưa thể xác định nguyên nhân của những triệu chứng này cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.

Chủ tịch Tổ chức bác sĩ không biên giới Mego Terzian nói: “Điều duy nhất chúng tôi có thể nói là có rất nhiều bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm chất độc thần kinh và điều này là không bình thường. Chúng  tôi chắc chắn rằng, khí độc thần kinh đã được sử dụng. Song chúng tôi chưa thể khẳng định đây là loại chất độc gì hay bên nào đã sử dụng. Chúng tôi  mong muốn các chuyên gia Liên Hợp Quốc và các chuyên gia độc lập có thể tiếp cận với các khu vực liên quan để làm sáng tỏ vấn đề”

Trong khi đó, trong một thông cáo, Bộ Thông tin Syria đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc của phe đối lập, đồng thời khẳng định chính quyền không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học. Bộ này cũng cáo buộc, phe đối lập hôm qua đã sử dụng khí độc tại khu vực ngoại ô thủ đô Damascus nhằm đáp trả một cuộc tấn công của quân đội.

Tuy nhiên phe đối lập đã bác bỏ hoàn toàn cáo cuộc và cho rằng đây là một âm mưu của chính phủ nhằm làm trệch hướng các cuộc điều tra.

Đại diện cấp cao Liên Hợp Quốc về giải trừ vũ khí Angela Kane hôm qua đã tới Damascus để mở đường cho các thanh sát viên Liên Hợp Quốc tiếp cận địa điểm xảy ra vụ tấn công này.

Trong khi công việc điều tra vẫn giậm chân tại chỗ do chưa nhận được sự hợp tác đầy đủ của các bên liên quan, một số nước phương Tây bắt đầu cân nhắc các lựa chọn đối với quốc gia Trung Đông này. Cũng giống như Anh và Thụy Điển, Chính phủ Pháp mới đây khẳng định, mọi thông tin đều cho thấy chính quyền Syria là thủ phạm vụ tấn công hóa học hồi giữa tuần này. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, vụ thảm sát hóa học này là rất nghiêm trọng và không thể bỏ qua mà không có hành động mạnh mẽ nào.

Trong khi đó tại Mỹ, dù một mặt vẫn bác bỏ mọi lời kêu gọi can thiệp quân sự, song mặt khác các tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Mahan và USS Rampage của nước này đã được lệnh neo lại tại vùng biển Đông Địa Trung Hải trong trường hợp cần thiết cho hành động quân sự. Thậm chí còn có thông tin cho biết, Mỹ dự kiến sẽ tăng số lượng tàu khu trục tại Địa Trung Hải lên 4 tàu và quân đội nước này cũng đã được cập nhật về các mục tiêu của Syria.

Không phải chỉ bây giờ mà ngay từ khi các nước phương Tây cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học đã có nhiều ý kiến lo ngại, liệu đây có phải là cái cớ cho một cuộc can thiệp quân sự vào Syria hay không và nay nguy cơ đấy càng trở nên rõ ràng hơn.

Tờ "Thời báo New York" số ra hôm qua đưa tin giới chức Mỹ đang cân nhắc khả năng áp dụng kịch bản cuộc không kích Kosovo mà NATO tiến hành cuối những năm 1990 vào kế hoạch tấn công Syria mà không cần sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc. Theo báo này, một năm sau khi đưa ra cảnh báo rằng sử dụng vũ khí hóa học tại cuộc xung đột ở Syria, chính quyền Tổng thống Obama nay đang tìm cách "can thiệp" ngay khi có bằng chứng cho thấy chính quyền Syria sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này.Lo ngại khả năng này, nhiều nước, trong đó có Nga, Trung Quốc và Iran đã lên tiếng cảnh báo chống lại mọi cuộc can thiệp nước ngoài vào Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm qua kêu gọi các cuộc điều tra minh bạch và công bằng về vấn đề này, đồng thời khẳng định đã có "bằng chứng" về việc lực lượng đối lập Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột ngày 21/8./.