Giới chuyên gia cho rằng những hình ảnh và băng video về vụ tấn công ở ngoại ô thủ đô Damascus cho thấy khí độc sarin đã được sử dụng tại Syria. Liên Hợp Quốc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về khả năng này, đồng thời yêu cầu chính quyền Syria để các thanh sát viên quốc tế tiếp cận ngay lập tức hiện trường vụ tấn công.

Cộng đồng thế giới cũng thể hiện lo ngại trước khả năng vũ khí hóa học xuất hiện trong cuộc nội chiến tại Syria và kêu gọi sự hợp tác, điều tra khách quan trong vấn đề này. 

benh%20vien%20o%20aleppo.jpg
Bệnh viện ở Aleppo (ảnh: RT.com)

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 22/8 yêu cầu Chính phủ Syria cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc điều tra và tiếp cận hiện trường vụ tấn công ngày 20/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus, bị nghi ngờ có sử dụng vũ khí hóa học làm hàng trăm người thiệt mạng. Ông Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về vũ khí hóa học tại Syria: “Tôi đặc biệt lo ngại khi có những thông tin nói rằng vũ khí hóa học có thể đã được sử dụng nhằm vào dân thường tại Syria. Bất cứ hành động sử dụng vũ khí hóa học nào trong bất kỳ trường hợp và hoàn cảnh nào đều là vi phạm luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi sự hợp tác toàn diện của chính phủ Syria để phái đoàn thanh sát viên Liên Hợp Quốc có thể điều tra rõ những thông tin này.”

Trong khi đó, theo cựu điều tra viên về vũ khí của Mỹ tại Iraq Charles Duelfer, phái đoàn thanh sát viên Liên Hợp Quốc đang ở một khách sạn tại thủ đô Damascus chỉ cách khu vực xảy ra vụ tấn công vài kilômét và đang chờ để tiếp cận khu vực này. Song theo ông Duelfer hoạt động của phái đoàn thanh sát viên sẽ gặp nhiều trở ngại và áp lực lớn.

Hiện nay, phía chính quyền Syria vẫn chưa đưa ra câu trả lời cho yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Cựu điều tra viên Duelfer và nhiều chuyên gia khác cho rằng, các thanh sát viên cần phải tới được khu vực nghi ngờ bị tấn công bởi vũ khí hóa học sớm nhất có thể để thu thập những bằng chứng chính xác nhất.

Tổng Biên tập tạp chí toàn cầu về Vũ khí hủy diệt hàng loạt (CBRNe World), ông Gwyn Winfield cho biết: “Đã 36 tiếng đồng hồ trôi qua kể từ khi những thông tin đầu tiên về vụ tấn công được công bố. Và chúng ta còn khoảng 12 giờ đồng hồ nữa để tới hiện trường và lấy mẫu máu, mẫu tóc của những nạn nhân. Sau khoảng thời gian này, các thanh sát viên phải bắt đầu thu thập mẫu đất đá, nước. Song sẽ rất khó khăn để xác định rõ ràng điều gì đã xảy ra bởi các mẫu vật này có thể bị ảnh hưởng từ những sự việc đã xảy ra từ trước đó”.

Theo các chuyên gia về vũ khí hóa học và chiến tranh sinh học của Anh, những hình ảnh và băng video về vụ tấn công cho thấy các nạn nhân có những triệu chứng bị nhiễm khí độc, nhiều khả năng là khí sarin. 

Cùng ngày hôm qua, cộng đồng thế giới thể hiện sự lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến tại Syria.

Trong một phản ứng công khai đầu tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, dù chưa xác định bên nào ở Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động này.

Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố sẽ đưa ra lập trường của mình về khả năng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria dựa trên kết quả điều tra khách quan và độc lập của phái bộ Liên Hợp Quốc.

Với Mỹ, nước từng tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria sẽ vượt qua "giới hạn đỏ", vẫn chưa có xác định chắc chắn.

Tại một cuộc gặp ở thủ đô Berlin (Đức), Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu yêu cầu làm rõ tình hình xung quanh vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Trong khi đó, trước tình hình xung đột leo thang, Anh kêu gọi các bên tại Syria ngay lập tức ngừng gây đổ máu và ngồi vào bàn đàm phán, lựa chọn giải pháp chính trị như một phương thức tối ưu để chấm dứt bạo lực./.