Hiện ở Myanmar đang có những lời kêu gọi thực hành bất tuân dân sự để phản đối việc lật đổ chính quyền dân sự được bầu cử cùng cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Mạng Facebook đặc biệt phổ biến ở Myanmar và chính quyền vừa bị phế truất bằng vũ lực thường đưa ra các thông báo trên mạng xã hội này.
Người sử dụng internet ở Myanmar cho biết mạng internet đã bị gián đoạn ở đây vào tối 3/2, còn nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động Telenor Myanmar ra thông cáo nói rằng họ và các nhà mạng viễn thông và internet tại quốc gia này đã được bộ truyền thông sở tải yêu cầu tạm thời chặn mạng Facebook.
Một phát ngôn viên của Facebook cho biết: “Các nhà cung cấp internet ở Myanmar đã được lệnh phải tạm thời chặn Facebook. Chúng tôi hối thúc giới chức khôi phục kết nối để người dân ở Myanmar có thể giao tiếp với gia đình, bạn bè và tiếp nhận các thông tin quan trọng”.
Dân chúng tẩy chay đảo chính quân sự
Liên minh Quốc gia vì Dân chủ - chính đảng bị hạ bệ trong cuộc đảo chính 1/2, và các nhà hoạt động khác ở Myanmar đã kêu gọi thực hiện chiến dịch bất tuân dân sự để phản đối việc quân đội tiếm quyền.
Đi tiên phong trong chiến dịch này là các nhân viên y tế Myanmar – họ đã tuyên bố sẽ không làm việc cho chính quyền quân sự. Các y bác sĩ này được nể trọng về đóng góp của họ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang gây áp lực lên hệ thống y tế thiếu thốn của Myanmar.
Vào đêm 3/2, cư dân ở thành phố lớn Yangon tham gia “biểu tình tiếng ồn”, trong đó người dân đập xoong chảo và bấm còi ô tô inh ỏi trong bóng tối của màn đêm, để phản đối đảo chính quân sự.
Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (đảng cầm quyền tại Myanmar trước đảo chính) cho biết, vào hôm 3/2, bà Suu Kyi bị buộc tội sở hữu máy bộ đàm nhập khẩu trái phép.
Cáo buộc khiến bà Suu Kyi có thể bị giam giữ tới ít nhất là ngày 15/2. Hiện người ta tin rằng bà vẫn đang bị quản thúc tại gia ở thủ đô Naypyitaw.
Theo cáo buộc, bà Suu Kyi có thể bị tuyên án tới 3 năm tù./.
>> Xem thêm: Vụ đảo chính Myanmar tạo thế khó cho Mỹ trong sứ mệnh “bảo vệ dân chủ”