Truyền thông địa phương đưa tin, người ta đã nghe thấy vài tiếng súng nổ bên ngoài dinh thự Tổng thống khi cảnh sát buộc phải bắn chỉ thiên. Đạn hơi cay của cảnh sát cũng không thể khiến người biểu tình thoái lui khi họ đã bao vây nơi ở của Tổng thống. Cuối cùng, dinh thự của Tổng thống Rajapaksa đã bị người biểu tình tràn vào. Ít nhất 2 người được cho là đã bị thương.

Ngay sau khi nhà ở của Tổng thống bị người biểu tình chiếm giữ, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các đảng phái để thảo luận tình hình hiện nay và tìm ra một giải pháp tạm thời hạ nhiệt sự giận dữ. Thủ tướng Sri Lanka cũng yêu cầu Chủ tịch Quốc hội triệu tập ngay một phiên họp của Quốc hội.

Trước đó, cảnh sát Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm tại một số khu vực an ninh tại tỉnh Tây, có hiệu lực từ 21h ngày 8/7 cho tới khi có thông báo tiếp theo. Lệnh này nhằm tăng cường an ninh trong bối cảnh một cuộc cuộc tình lớn được lên kế hoạch trong ngày 9/7 để buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức.  

Cảnh sát tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn với những người vi phạm lệnh giới nghiêm. Tất cả các con đường đi qua các khu vực an ninh đều bị cấm và cảnh sát khuyến cáo người dân tự tìm các tuyến đường thay thế.

Sự tức giận của người dân trước tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng xấu đi là nguyên nhân của các cuộc biểu tình, bạo loạn tại Sri Lanka hiện nay. Trong những tuần gần đây, nhiều vụ va chạm, xung đột đã được ghi nhận giữa người dân và lực lượng cảnh sát và quân đội xung quanh các cây xăng, nơi hàng nghìn người phải xếp hàng nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày để đợi mua nhiên liệu.  

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập năm 1948. Những sai lầm trong điều hành kinh tế nhiều năm qua, kết hợp với hệ quả của đại dịch Covid-19 gần như đã xóa bỏ hoàn toàn các tiến bộ phát triển, và làm xói mòn khả năng hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Sri Lanka.

Thiếu xăng dầu và khí đốt buộc chính quyền nước này phải đóng cửa các trường học và công sở nhà nước. Trong khi đó, sản lượng lương thực giảm sút, cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối và đồng nội tệ rupee mất giá càng khiến cho cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội thêm trầm trọng. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trong 6,2 triệu người dân Sri Lanka, cứ 10 hộ gia đình thì 3 hộ là không chắc có đủ bữa ăn từng ngày.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và thiếu hụt nhiên liệu, lương thực trầm trọng, ngày càng có nhiều người dân Sri Lanka kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe từ chức ngay lập tức vì không thể cải thiện được tình hình hiện nay./.