Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Grupo Avanc ở Chile vừa phát minh ra một hợp chất có khả năng đẩy lùi loài muỗi vằn Aedes aegypti, đồng thời làm gián đoạn chu kỳ sinh sản của chúng, từ đó giúp giảm sự lây truyền của virus Zika và dịch bệnh sốt xuất huyết.

muoi_kvnb.jpg
Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Grupo Avanc ở Chile vừa phát minh ra một hợp chất có khả năng đẩy lùi loài muỗi vằn Aedes aegypti. (Ảnh: adelaidenow)

Nhà hóa sinh học Mario Reyes đã tạo ra một hợp chất mà có thể thêm vào nước giặt quần áo, giúp bảo vệ chúng ta khỏi bị muỗi đốt. Các thành phần trong hợp chất này bao gồm graphene, bột đồng, chất chống vi khuẩn, và lacton - một loại thuốc trừ sâu tự nhiên không độc hại. 

Bằng cách thêm hợp chất đặc biệt này vào nước giặt quần áo thông thường, chúng ta có thể được bảo vệ khỏi bị muỗi đốt trong vòng một ngày.

Các nhà khoa học lý giải, để đẻ trứng, muỗi cái cần máu của một loài động vật có vú, như vậy nếu giảm đáng kể số lần muỗi đốt, cũng đồng nghĩa với việc ngăn cản muỗi sinh sản, từ đó khiến quần thể muỗi giảm. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng, hợp chất mới phát minh sẽ là "hàng rào sinh học" giúp ngăn chặn sự phát triển và sinh sản của loài muỗi.

Theo các nhà nghiên cứu, hợp chất này sẽ tiếp tục phải trải qua nhiều thử nghiệm trước khi được đưa vào sử dụng chính thức. Tuy nhiên, nếu thành công, hợp chất này hứa hẹn đem lại một phương pháp hiệu quả giúp con người đối phó tốt hơn với dịch bệnh do virus Zika đang có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới./.