Hiện CDC đang nghiên cứu tốc độ lây nhiễm của dịch Chikungunya, một dịch bệnh cũng do muỗi gây ra và có những đặc tính sinh bệnh tương tự như virus Zika nhằm hiểu rõ hơn về cơ chế của dịch.

Cùng với đó, các nhà nghiên cứu của CDC cũng đang nỗ lực để phát triển vaccine điều trị Zika và với nỗ lực của các nhà khoa học, một loại văn-xin điều trị dịch bệnh nguy hiểm này có thể được công bố trong thời gian từ 6 đến 8 tháng tới.

zika_cqdk.jpg
Muỗi Aedes được cho là nguyên nhân chính gây lây nhiễm Zika. Ảnh AP

Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện về các Bệnh Dị ứng và Lây nhiễm của Mỹ, cho biết: “Vấn đề là chúng tôi đang tập trung nỗ lực để điều chế vaccine. Chúng tôi đã có một số lựa chọn và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Hy vọng đến cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu năm nay, có thể ra mắt loại vaccine này”.

Trong khi đó, cùng ngày, giới chức y tế Cuba thông báo đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm virus Zika đầu tiên tại nước này. Diễn biến mới này càng làm gia tăng quan ngại về dịch bệnh virus Zika sẽ lây lan ở mức khó kiểm soát.

Trong một thông báo, Bộ Y tế Cuba cho biết, bệnh nhân là bác sĩ 28 tuổi đến từ Venezuela. Chồng và em rể của bệnh nhân này cũng đã lây nhiễm virus Zika trước đó tại Venezuela.

Bệnh nhân này đến Cuba vào ngày 21/2, và có triệu chứng sốt vài ngày sau đó. Sau khi xét nghiệm, người này có kết quả dương tính với virus Zika. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân này đang hồi phục.

Như vậy, Cuba là quốc gia mới nhất ghi nhận trường hợp lây nhiễm virus Zika. Nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, Chính phủ Cuba mới đây đã yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh nơi ở.

Trong nhiều năm qua, Cuba thường xuyên tiến hành các đợt phun thuốc muỗi đến từng hộ gia đình trên khắp cả nước nhằm phòng tránh bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn Aedes gây ra.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, với tốc độ lây lan nhanh chóng, virus Zika đã xuất hiện tại gần 50 quốc gia trên toàn thế giới. Những bệnh nhân nhiễm virus này thường có những triệu chứng như cảm cúm, song thậm chí có thể không có dấu hiệu gì.

Tuy nhiên, mối liên hệ của virus này với hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, trí não và xương sọ kém phát triển vẫn đang gây tranh cãi lớn trong giới chức y học thế giới.

Theo báo cáo mới nhất, tại Brazil số ca trẻ sơ sinh mắc hội chứng đầu nhỏ từ tháng 10/2015 đến nay là 583 ca, gấp 4 lần số ca trung bình hàng năm của những năm trước./.