Hy vọng về một thỏa thuận hòa hoãn có khả năng chấm dứt thế đối đầu tại Kiev đã tan thành mây khói vào ngay sáng 20/2 trong các cuộc kịch chiến mới trên quảng trường trung tâm của thủ đô Ukraine.
Những người biểu tình đang cố không bị bắt lửa ngay trong thành lũy của mình (ảnh: Getty) |
Một phóng viên Telegraph đếm được không dưới 8 người biểu tình phải nằm trên cáng đưa ra khỏi quảng trường, trong đó có những người bị thương nặng ở ngực. Tiếng súng vang lên cùng những cuộn khói nhả ra từ các chướng ngại vật đương bốc cháy. Trung tâm Kiev một lần nữa trở thành chiến địa.
>> Xem thêm: Tái hiện trận chiến Kiev năm xưa
Hàng trăm người biểu tình có vũ trang đã “oanh kích” cảnh sát bằng các chai bom xăng và gạch đá, giành lại quyền kiểm soát đối với hầu hết diện tích quảng trường mà họ đã chiếm từ khi cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra cách đây 3 tháng.
Cảnh sát đáp trả bằng đạn cao su và lựu đạn “gây choáng”. Có cả các báo cáo về việc đạn thật đã được sử dụng. Hiện chưa rõ súng nổ bắt nguồn từ đâu.
Thông báo của Bộ Y tế Ukraine vào đầu ngày 20/2 cho biết 28 người đã tử vong, 287 người khác phải nhập viện trong hai ngày bạo lực đường phố. Những người biểu tình cho biết con số thương vong còn cao hơn thế nhiều. Những người này đã lập riêng một trung tâm y tế tại nhà thờ lớn ở trung tâm thủ đô.
Những người biểu tình dùng cáng khênh người bị thương (ảnh: Reuters) |
Đợt đụng độ mới này là tệ hại nhất kể từ khi các cuộc biểu tình khởi phát 3 tháng trước sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych tạm gác một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu theo hướng xích lại gần Nga hơn.
Ukraine, đất nước có 46 triệu dân, đã bị chia rẽ sâu sắc giữa những người thân Nga và những người nghiêng về EU. Một số vùng của đất nước đã nổi loạn chống lại chính quyền trung ương.
Cả Moscow và phương Tây đều háo hức thực hiện các nước đi chính trị và ngoại giao nhằm tranh giành ảnh hưởng đối với nước cộng hòa Xô viết cũ.
>> Đọc thêm: Ukrainenằm kẹt giữa phương Tây và Nga
Ba vị ngoại trưởng của Đức, Pháp và Ba Lan lên đường tới Kiev vào ngày hôm nay (20/2) để hội đàm với cả hai phe trước khi diễn ra một hội nghị khẩn cấp của EU ở Brussels xem xét chế tài đối với những người chịu trách nhiệm về bạo lực ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Obama thì đã lên án bạo lực, và hôm 19/2 ông cảnh báo rằng Ukraine sẽ “phải chịu hậu quả” nếu bạo lực tiếp diễn. Mỹ không loại trừ khả năng cùng EU áp đặt trừng phạt lên Ukraine.
Trong 1 chuyến thăm Mexico, ông Obama cho biết quân đội Ukraine không nên can thiệp vào tình hình hiện nay. Theo ông, Mỹ coi chính phủ Ukraine là người chịu trách nhiệm chủ yếu về tiến trình thương thuyết một cách phù hợp với những người biểu tình hòa bình.
Khói bốc cao bên trên các chướng ngại vật bốc cháy tại quảng trường Độc lập (Kiev) (ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã coi tình hình bạo lực ở Ukraine là một âm mưu đảo chính và thậm chí sử dụng tới cụm từ “cách mạng màu nâu”, vốn dùng để ám chỉ việc Đảng Quốc xã tiếm quyền ở nước Đức vào năm 1933. Bộ này khẳng định, Nga sẽ sử dụng “tất cả sức ảnh hưởng của mình để khôi phục hòa bình và ổn định”.
Ở Kiev, cơ quan an ninh của Ukraine kết tội những người biểu tình vào hôm 19/2 đã cướp hàng trăm vũ khí từ các văn phòng của họ. Cơ quan này cũng công bố một chiến dịch chống khủng bố toàn quốc nhằm khôi phục trật tự./.
Một người biểu tình đứng sau chiến lũy (ảnh: AFP) |
Những người biểu tình nghênh chiến cảnh sát (ảnh: AFP) |