Bạo lực chưa từng thấy

Ukraine vừa trải qua một ngày được cho là đẫm máu nhất nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát ở nước này. Interfax dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Ukraine cho biết ít nhất 26 người đã thiệt mạng, 400 người bị thương khi đụng độ xảy ra giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình chiếm giữ Quảng trường Độc Lập ở trung tâm Thủ đô Kiev vào đêm 18/2.
Cuộc đụng độ dữ dội tại Quảng trường Độc Lập diễn ra sau hàng loạt động thái leo thang đầy căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych và phe đối lập tổ chức biểu tình chống đối.
ukraine1-1.jpg
Người biểu tình Ukraine sử dụng gạch đá và bom xăng để tấn công cảnh sát (Ảnh: AP)

Trước đó, người biểu tình đã phong tỏa tòa nhà Quốc hội và ra tối hậu thư đòi tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội trước thời hạn, đồng thời bỏ phiếu quay lại Hiến pháp 2004 quy định áp dụng chế độ Tổng thống - nghị viện để hạn chế quyền lực của Tổng thống.

Lực lượng an ninh đặt ra hạn chót 18h hôm 18/2 (giờ địa phương) để người biểu tình rời khỏi Quảng trường Độc lập ở Kiev. Sau thời hạn này, cảnh sát đã tiến hành phá bỏ khu lán trại của người biểu tình. Người biểu tình chống lại bằng cách đốt lốp xe tạo hàng rào bảo vệ, ném bom xăng…

Lần đầu tiên kể từ tháng 12/2013, cảnh sát Kiev giành lại quyền kiểm soát một phần quảng trường. Biểu tình bắt đầu hồi cuối tháng 11/2013, khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ chối một thỏa thuận thương mại và hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để đổi lấy quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Thỏa thuận đình chiến tạm thời

Ngày 19/2, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và các thủ lĩnh đối lập đã đạt được thỏa thuận "đình chiến" chỉ vài giờ sau khi lực lượng an ninh Ukraine tiến hành chiến dịch giải tán quảng trường Độc lập ở Kiev.

Hai bên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán trong một nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay. Thỏa thuận đạt được sau khi chính quyền Ukraine có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp và tiến hành các cuộc bố ráp vào ban đêm để giải tán những người biểu tình.

Hãng tin AFP dẫn lời Chủ tịch đảng Đất mẹ, Yatsenyuk nói: “Đây là một thông tin tích cực. Cuộc bố ráp, theo kế hoạch, đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, giờ là thông báo đình chiến và bắt đầu quá trình đàm phán nhằm ổn định tình hình”.

Ông Yatsenyuk nói thêm: “Sau cuộc họp ngày hôm nay, quảng trường Độc lập sẽ không bị tấn công nữa”.

Ông Yatsenyuk là một trong ba thủ lĩnh đối lập chính ở Ukraine đã có cuộc thảo luận khẩn cấp với Tổng thống  Yanukovych để đi tới thỏa thuận đình chiến. Cùng tham gia còn có Chủ tịch đảng Udar Vitali Klitschko và Chủ tịch đảng Tự do Oleg Tyagnibok.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Yanukovych và các thủ lĩnh đối lập để đi tới thỏa thuận đình chiến diễn ra sau khi Cơ quan an ninh và Trung tâm chống khủng bố của Ukraine có kế hoạch tiến hành một chiến dịch chống khủng bố trên khắp lãnh thổ Ukraine.

AFP dẫn tuyên bố của Cơ quan an ninh Ukraine: “Căn cứ theo luật chống khủng bố, chúng tôi đã quyết định nâng mức cảnh báo. Tất cả các biện pháp tăng cường đều nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự công cộng và biên giới của đất nước”.

Ông Yanukovych thay tướng

Các cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những người biểu tình khiến Tổng thống Yanukovych tuyên bố, sẵn sàng để quân đội tham gia vào một “hoạt động chống khủng bố quốc gia”, đồng thời bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội mới.

Cảnh sát chống bạo động được triển khai trên đường phố Kiev (Ảnh: Getty Images)

Thông cáo ngắn của Tổng thống cho biết, ông Yanukovych đã bổ nhiệm ông Yuri Iliin làm Tổng tham mưu trưởng quân đội để thay thế ông Volodymyr Zamana, song không đưa ra lời giải thích nào cho quyết định trên. 

Hồi đầu tháng, ông Volodymyr Zamana đã bất đồng với Tổng thống khi ông Yanukovych lần đầu tiên xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với làn sóng người biểu tình tại Kiev và một số nơi khác tại quốc gia này. 

Trong khi đó, ông Iliin, người đứng đầu lực lượng hải quân tới nay vẫn tránh xa cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài 3 tháng qua và được xem là một nhân vật trung thành với Tổng thống Yanukovych.

Theo nhận định của giới phân tích, động thái này của Tổng thống Yanukovych không xoa dịu được tình hình hiện nay mà chỉ làm gia tăng những lo ngại mới.

Cộng đồng quốc tế lên tiếng

Theo AP, ngày 19/2, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ đang diễn ra tại Mexico, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các lực lượng vũ trang Ukraine đứng bên ngoài cuộc khủng hoảng chính trị và cảnh báo sẽ có hậu quả cho những ai “bước qua ranh giới này”. 
Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương  (NATO) Anders Fogh Rasmussen cũng lên tiếng cảnh báo, mối quan hệ giữa khối này với Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nếu quân đội Ukraine can thiệp chống lại người biểu tình. 
Ông Rasmussen nói: “Tôi mạnh mẽ hối thúc chính phủ Ukraine kiềm chế các hành động bạo lực. Nếu quân đội nước này can thiệp chống lại người biểu tình, quan hệ giữa Ukraine và NATO sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên cần phải ngay lập tức nối lại các cuộc đối thoại thẳng thắn để có được kết quả nhanh nhất.

Theo ông Ban, việc ngăn chặn gia tăng bất ổn và đổ máu cần được xác định là ưu tiên hàng đầu và tất cả các bên phải kiềm chế, tìm cách đưa Ukraine trở lại con đường thịnh vượng, dân chủ. 
Cùng ngày, Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay đã kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Ukraine cần phải hết sức kiềm chế, tránh để tình trạng bạo lực tương tự xảy ra.

Bà Pillay cũng mạnh mẽ lên án hành động bạo lực gây thương vong đồng thời thúc giục cả hai bên chính phủ và người biểu tình tìm cách giảm căng thẳng và nhanh chóng tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Theo AP, Nga - quốc gia láng giềng ở phía Đông của Ukraine cũng đã yêu cầu các thủ lĩnh đối lập ở Ukraine chấm dứt đổ máu, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ lập lại hòa bình cho quốc gia anh em thân thiết. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Nga sẽ sử dụng “tất cả ảnh hưởng của mình để khôi phục lại hòa bình và ổn định ở Ukraine”./.