Từ Trung Đông đến châu Âu, báo chí, truyền thông và các nhà bình luận quốc tế đều nhắc lại bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama diễn ra vào tối 10/9 (theo giờ của Mỹ) và sáng 11/9 (theo giờ Việt Nam).
Bài phát biểu của Tổng thống Obama đã khẳng định sẽ tiêu diệt tận gốc phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng với tham vọng mở rộng chiến dịch chống khủng bố sang cả Syria.
BBC dẫn bình luận trên các phương tiện truyền thông địa phương cho biết, các nước Trung Đông tỏ ra khá bi quan sau bài phát biểu này.
Syria nổi giận vì Mỹ đe dọa sẽ không kích trong lãnh thổ nước này để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tương tự như đối với Iraq. Kênh truyền hình Syria cho hay: “Chiến lược chống tổ chức khủng bố IS của Tổng thống Obama cho thấy Washington thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng. Mỹ muốn đánh bại một tổ chức khủng bố nhưng lại nã súng vào những người khác”.
Hãng tin Fars của Iran không thể hiện trực tiếp quan điểm về bài phát biểu của Tổng thống Obama. Thay vào đó, hãng tin này đã cho đăng tải lời nhận định của Tổng công tố Iran Sadeq Amoli Larijani lên tiếng bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của chiến dịch chống khủng bố ở nhiều quốc gia. Ông Sadeq Amoli Larijani cho biết, vin vào việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và chuẩn bị tiến hành những việc tương tự ở Syria là hoàn toàn thiếu logic.
Ở Israel, tờ báo Haaretz đã dành một cột in nghiêng để đánh giá về bài phát biểu của Tổng thống Obama. Tờ báo này viết: Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng, dẫu cho Mỹ đang gửi đi thông điệp mở ra cuộc chiến chống khủng bố, thì ông Obama cũng sẽ không giống như là George Bush- cựu Tổng thống nước Mỹ, người đã gửi hàng trăm binh sỹ tới Iraq và sa lầy ở đó suốt một thời gian dài.
Một bài bình luận trên trang Al-Akhbar bằng tiếng Anh của Lebanon, đăng tải vào đúng ngày Tổng thống Obama phát biểu, đã viết "cuộc chiến của Mỹ nhằm vào IS có khả năng thất bại vì nhiều lý do". Những lý do trong số đó bao gồm: Thứ nhất, Mỹ có những đồng minh ở Trung Đông như Saudi Arabia hay Qatar có chung hệ tư tưởng như IS. Thứ 2, những người dân theo đạo Hồi ở Trung Đông có định kiến về Mỹ. Thứ 3, bộ hồ sơ theo dõi do Mỹ thiết lập trong nhiều năm qua thường xuyên được cập nhật từ tổ chức khủng bố này sang tổ chức khủng bố khác, mỗi lúc một tệ hơn.
Tại châu Âu, báo Duetsche Welle của Đức viết: Khi công bố một cuộc chiến mới, Tổng thống Mỹ sẽ thường trở nên nghiêm trang. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ sẽ giải thích tại sao cuộc chiến này là cần thiết, làm thế nào để Mỹ giành được thắng lợi cuối cùng, và tại sao Mỹ phải là người dẫn đầu trong cuộc chiến này.
Tờ Duetsche Welle cho biết thêm: Tổng thống Obama cũng áp dụng khuôn mẫu trên vào phát biểu của mình ở Nhà Trắng. Trước hết, ông Obama đã mô tả tội ác của "Nhà nước Hồi giáo" (IS) hiện nay như thế nào, đồng thời vạch ra kế hoạch để đánh bại những tay súng Hồi giáo với sự giúp đỡ từ người dân Iraq, người Kurd, quân đội Syria và nhiều đồng minh khác.
Báo Guardian của Anh viết: “Đúng vào khung giờ vàng tối 10/9, Tổng thống Barack Obama đưa ra một đòn mạnh mẽ khi tuyên bố gây chiến. Những lý luận do Tổng thống Obama đưa ra nhằm tạo điều kiện mở một cuộc chiến dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm. Điều này khiến cho nhiều người bị sock, thậm chí cả những người ủng hộ Tổng thống Obama”.
Hãng tin RT của Nga cũng cho đăng tải bài phỏng vấn nhà hoạt động chống chiến tranh Brian Becker. Trong bài phỏng vấn, ông Brian Becker cho hay: “Chính quyền Tổng thống Obama cho rằng họ có quyền tấn công bất cứ lực lượng nào mà họ tuyên bố là kẻ thù ở Syria mà không cần có sự đồng ý của Chính phủ Syria. Trong thực tế, họ cũng đã làm điều này. Đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế. Chính phủ Mỹ không có quyền sử dụng vũ lực ở Syria, một đất nước không gây chiến với Mỹ”.
Trong phần bình luận trước bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, tờ báo hàng ngày của Mexico, La Jornada, đã chỉ ra những điểm mà theo tờ này có sự "mâu thuẫn" trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông.
“Chính sách của Mỹ với Trung Đông là một ví dụ rõ ràng về các mâu thuẫn đặc trưng cho nền chính trị Mỹ nói riêng và chính trị phương Tây nói chung. Các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông, Trung Á và thế giới Hồi giáo đều có chung các đặc điểm: thực dụng, dễ thay đổi, và vô lương tâm, trong đó các nhân vật phản diện ngày hôm nay lại là đồng minh của ngày mai và ngược lại”./.