Các nhà lãnh đạo trong cuộc họp ngày 17/5 (Ảnh: Reuters) |
Các nước láng giềng của Nigeria bao gồm Chad, Cameroon và Bennin cùng các nhà lãnh đạo phương Tây đã gặp nhau tại Paris để đề ra kế hoạch cho phép họ chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp hành động và giám sát biên giới cùng nhau.
Nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã hoạt động trong 5 năm nay, thực hiện nhiều vụ đánh bom tấn công vào dân thường và cả lực lượng an ninh. Tháng 4/2014, nhóm Hồi giáo Boko Haram đã bắt cóc 200 nữ sinh ở một trường học phía đông bắc Nigeria đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tuyên bố trong cuộc họp báo ở Paris rằng: “Boko Haram không còn là một nhóm khủng bố địa phương đơn thuần, nó là một nhóm khủng bố al-Qaeda của Tây Phi”.
“Chúng tôi đã cam kết cùng nhau vì an ninh khu vực. Nếu không có sự đoàn kết của các nước Tây Phi, chúng tôi sẽ không thể để đè bẹp được những kẻ khủng bố này”, ông Goodluck Jonathan nói .
Sự phẫn nộ đối với vụ bắt cóc 200 nữ sinh Nigeria đã khiến Tổng thống Goodluck Jonathan chấp nhận để tình báo Mỹ, Anh và Pháp giúp đỡ trong việc tìm kiếm những người mất tích.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague trước khi bắt đầu cuộc họp cho biết quân đội Nigeria không tổ chức một cách hiệu quả để đối phó với các nhóm khủng bố, và đề nghị cử cố vấn quân sự của Anh đến Nigeria để hỗ trợ.
Tổng thống Idriss Deby của nước Chad cho hay: “Chúng tôi đặt quyết tâm cao nhằm giải quyết tình trạng khủng bố đồng thời khởi động một cuộc chiến tranh tập thể lên nhóm Hồi giáo Boko Haram”.
“Chúng tôi đã khẳng định tình đoàn kết và quyết tâm mạnh mẽ chống lại Boko Haram”, Tổng thống Cameroon Paul Biya nói.
Tuy nhiên Nigeria lại bóng gió xa xôi rằng nhóm Boko Haram đã sử dụng miền bắc của Cameroon làm nơi trú ẩn cho những cuộc tấn công quân sự ở Nigeria và là nơi vận chuyển vũ khí. Nigeria đồng thời kêu gọi Cameroon thắt chặt an ninh biên giới. Đáp lại lời kêu gọi này, Tổng thống Cameroon Paul Biya cho biết ông sẽ gửi thêm phương tiện và quân đội về phía bắc Cameroon./.