Hội nghị lần này tiếp tục chứng kiến những phiên đàm phán đầy căng thẳng giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức hai bên đều bày tỏ thận trọng về cuộc đàm phán này.

Phát biểu vài giờ trước khi hội nghị diễn ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nói rằng, ông thận trọng hơn là lạc quan về cơ hội đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi, đến nay, một số nước thành viên Liên minh châu Âu phản đối trước đề xuất mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra cách đây 10 ngày trước.

nguoi_ti_nan_dwes.jpg
Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu đang trở thành vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Reuters.

Lãnh đạo các nước châu Âu trên thực tế vẫn chia rẽ về những đề xuất gây tranh cãi mà Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra tại Bỉ ngày 7/3 vừa qua.

Theo đó, để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ có các biện pháp giúp kiềm chế làn sóng di cư vào châu Âu, Liên minh châu Âu phải tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính lên 6 tỷ euro đến năm 2018, cũng như đẩy nhanh việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của nước này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà lãnh đạo lạc quan nhất của Liên minh châu Âu khi cho rằng, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá.

“Chúng tôi sẽ có các cuộc thảo luận chuyên sâu. Chúng tôi phải tìm ra một sự cân bằng về lợi ích giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Để làm được điều đó, trước tiến chúng tôi phải tiến hành thảo luận giữa các nước thành viên để xem làm như thế nào chúng tôi có thể tìm ra được quan điểm chung. Tôi tin là điều này hoàn toàn có thể thực hiện được”, bà Merkel nói.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khác của khối này thì vẫn giữ quan điểm hoài nghi.

Pháp lại là quốc gia có quan điểm khá thận trọng trước yêu cầu miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Tổng thống Pháp, Francois Hollande, Thổ Nhĩ Kỳ phải đáp ứng được tất cả 72 tiêu chí mà Liên minh châu Âu đề ra để đổi lấy yêu cầu này.

“Chúng tôi nhận thức rằng, cần phải có một phản ứng chung. Nếu Pháp và Đức không thống nhất được quan điểm sẽ không tạo ra được một động lực trong châu Âu. Chúng tôi phải thảo luận với nhau song chúng tôi phải thống nhất với nhau để đưa ra quan điểm chung và thống nhất quan điểm với các quốc gia khác”, ông Hollande nói.

Cộng hòa Síp trong khi đó lại đe dọa sẽ phủ quyết bất cứ kế hoạch nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu nếu Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận chính phủ Síp.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu dù bày tỏ mong muốn đạt một thỏa thuận với Liên minh châu Âu song cũng đã thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc đàm phán lần này.

Phát biểu trước báo giới trước khi lên đường sang Bỉ tham dự hội nghị, ông Davutoglu nói: “Chúng tôi có thể thấy những khó khăn sẽ gặp phải với Liên minh châu Âu trong hội nghị lần này.

Đó là những khó khăn trong việc thực hiện các thỏa thuận theo đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ như mở ra các chương đàm phán mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu. Chúng tôi nhận thức rõ khó khăn song các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cần hiểu rõ những khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt”./.