Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/3, bắt đầu hội nghị thượng đỉnh 2 ngày tại Brussels, Bỉ. Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội nghị lần này đó là tìm kiếm sự đồng thuận đối với thỏa thuận sơ bộ EU- Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu.
Sau khi thảo luận về kinh tế, lãnh đạo 28 nước thành viên EU sẽ thảo luận vấn đề di cư. Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào ngày mai (18/3), với hy vọng sẽ hoàn thành thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất trước đó. EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch tạm thời với nội dung Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận lại người di cư từ Hy Lạp theo cơ chế “một đổi một”.
Người di cư tiếp tục bất chấp nguy hiểm đổ về châu Âu. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên trong khối đối với thỏa thuận sơ bộ này.
Bà Merkel nói: “Việc thực hiện thỏa thuận EU- Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp phá vỡ các mạng lưới buôn lậu người bất hợp pháp trên biển Aegean, thay vào đó là một lựa chọn hợp pháp, an toàn cho người tị nạn cũng như giúp châu Âu có thể kiểm soát được tình hình. Mục tiêu của chúng ta đó là nhanh chóng chấm dứt tình trạng bất hợp pháp hiện nay, do đó đề xuất này sau đó sẽ được mở rộng bằng việc đưa ra các hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn Syria tự nguyện từ các nước thành viên của khối”.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Merkel - người đi đầu trong chính sách mở cửa tị nạn của EU nhưng các nhà lãnh đạo khu vực cảnh báo, không có liều thuốc chữa bách bệnh cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại châu Âu cũng như còn nhiều rào cản trong hai ngày diễn ra hội nghị.
Trước hết, đó là sự phản đối của một số nước thành viên trong Liên minh châu Âu đối với thỏa thuận sơ bộ EU-Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp và Cộng hòa Séc cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳđang “dùng yêu sách” với EU. Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố, Pháp mong muốn hợp tác hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người di cư song không chấp nhận "mặc cả". Còn Séc cho rằng, những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ mang tính “vụ lợi” và gọi đây là những yêu sách.
Nhiều quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc phụ trách di cư và nhân quyền cũng tỏ ra hoài nghi về tính hợp pháp của kế hoạch trên. Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades – nước có mối quan hệ "không xuôi chèo mát mái" với Thổ Nhĩ Kỳ bấy lâu nay thậm chí còn tuyên bố, nước này sẽ không thông qua dự thảo thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không nhượng bộ trong việc chấp nhận CH Síp là một quốc gia độc lập.
Và mặc dù Thủ tướng Đức Merkel lên tiếng ủng hộ thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kì, nhưng nhiều người dân Đức bày tỏ không mấy tin tưởng vào việc Thổ Nhĩ Kỳsẽ hỗ trợ châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng này. Có tới 71% số người dân Đức được hỏi cho rằng, sự hỗ trợ đó của Thổ Nhĩ Kỳlà phi thực tế.
Trong khi đó, cũng có nhiều chỉ trích đối với chính sách giải quyết khủng hoảng của châu Âu, khi đưa những người dễ bị tổn thương đến một đất nước mà chính khối này luôn lên tiếng lo ngại về vấn đề nhân quyền. Nhiều tổ chức nhân quyền và nhân đạo tuyên bố, đề xuất gửi trả hàng loạt người di cư là “một đòn giáng vào quyền xin tị nạn” và “vô nhân đạo”.
Phản ứng trước lo ngại này, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Frans Timmerman cho biết, Liên minh châu Âu sẽ có những đảm bảo giúp người tị nạn có đầy đủ quyền quốc tế để được bảo vệ tại Thổ Nhĩ Kỳ nếu thỏa thuận này có hiệu lực.
Ông Timmerman nói: “Để áp dụng những điều khoản này có thể sẽ đòi hỏi sự sửa đổi pháp lý trong nước cả ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Chúng tôi biết rằng, đây sẽ là một điều không dễ dàng nhưng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ quá trình này”.
Một năm sau khi cuộc khủng hoảng di cư xảy ra với hơn 1 triệu người đến châu Âu, rất nhiều trong số đó là người tị nạn Syria, hầu hết đều qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp rồi vào Đức qua các tuyến đường biển nguy hiểm.
Mặc dù vẫn còn nhiều nghi ngại về sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu đều cho rằng, sẽ là một điều đúng đắn để khối tiến tới một thỏa thuận cuối cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng có thể tìm ra giải pháp hay ít nhất là tạm thời làm chậm dòng người tị nạn tiến vào châu Âu./.