Điều này có thể gây sức ép lên các nước châu Âu đang cố gắng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân này, với cảnh báo kế hoạch của Iran đang tiến dần đến giới hạn đỏ.

Đại diện thường trực Iran tại Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, ông Reza Najafi nêu rõ, trong trường hợp Thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, Iran có thể tái khởi động các hoạt động hạt nhân mà không có sự hạn chế nào. Iran cũng thông báo cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về kế hoạch khởi động lại cơ sở chuyển đổi urani tại thành phố Isfahan nhằm sản xuất nguyên liệu UF6 cho các máy ly tâm.

iran_eu_cylb.jpg
Châu Âu rơi vào thế khó khi Iran tiến gần đến “giới hạn đỏ”. Ảnh: Mehr News Agency

Ông Reza Najafi cho biết: “Những gì tôi có thể nói đó là nếu Iran không được hưởng lợi từ thỏa thuận thì không ai nên mong đợi Iran thực hiện các điều khoản một cách tự nguyện. Hiện Iran đã có những hoạt động chuẩn bị cho viễn cảnh Thỏa thuận đổ vỡ. Khi đó, Iran có thể tái khởi động các hoạt động làm giàu urani mà không có bất cứ giới hạn nào đã đưa ra theo Thỏa thuận”.

Phản ứng trước thông tin này, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo,  kế hoạch tăng cường khả năng làm giàu urrani đưa Iran tiến gần đến giới hạn đỏ. Theo ông Le Drian, động thái của Iran không được hoan nghênh. Ông cũng nhấn mạnh, mặc dù kế hoạch này không vi phạm thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng quá nguy hiểm để “bỡn cợt” với giới hạn đỏ.

Ngoại trưởng Pháp cũng cảnh báo:“Nếu Iran tiến tới mức tiếp theo, thỏa thuận hạt nhân sẽ bị phá vỡ. Người dân Iran phải hiểu rằng, nếu họ phá vỡ thỏa thuận, sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới và châu Âu sẽ không đồng hành cùng Iran. Chúng tôi muốn thỏa thuận vẫn được duy trì và vẫn đang hợp tác với Iran”.

Đồng quan điểm với Pháp, Bộ Ngoại giao Đức cũng gọi kế hoạch của Iran là không hữu ích vào thời điểm hiện nay và không giúp xây dựng lòng tin. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ đã nhận được các báo báo về kế hoạch tăng cường khả năng làm giàu urani của Iran, đồng thời cảnh báo, Mỹ không cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Hành động đơn phương của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng trước đã tạo ra động lực mới trong mối quan hệ giữa Iran và Liên minh châu Âu. Hiện cả Iran và EU đều có thành ý duy trì thỏa thuận lịch sử này. Tuy nhiên, mong đợi của cả hai bên rõ ràng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại.

Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Motahari ngày 7/6 khẳng định, thỏa thuận hạt nhân là điều duy nhất có thể định đoạt chương trình hạt nhân của Iran. Iran sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, trước sức ép từ Mỹ, trách nhiệm thúc đẩy quan hệ hợp tác với Iran sẽ thuộc về các quốc gia đại diện cho những doanh nghiệp này.

Theo giới quan sát, để đảm bảo Iran không vượt qua “giới hạn đỏ”, gánh nặng trách nhiệm hiện nay phụ thuộc nhiều vào các nước châu Âu. Theo đó, châu Âu cần phải bảo vệ các hoạt động bán dầu của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và tiếp tục mua dầu của Iran. Bên cạnh đó, các ngân hàng châu Âu cũng cần bảo vệ hoạt động thương mại với Iran. Riêng với Anh, Pháp và Đức, các nước này cần cân nhắc với yêu cầu đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động của Iran tại khu vực./.