Giải pháp đó sẽ gồm 2 nội dung là yêu cầu người nhập cư phải hội nhập với xã hội sở tại, đồng thời giúp giảm nhẹ các vấn đề nan giải bên trong Trung Đông.

nguoi_ti_nan_vao_chau_au_zwrq.jpg
Những người di cư từ Trung Đông sang châu Phi. Ảnh trích từ clip của CNN.

Phát biểu tại Berlin hôm 24/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước bà sẽ hoan nghênh những người tị nạn đến đó nhưng cũng đồng thời yêu cầu họ phải hòa nhập vào xã hội Đức, tôn trọng chính phủ Đức và các giá trị của đất nước này, cũng như chịu học tiếng Đức.

Sau cuộc họp ở Brussels của Hội đồng châu Âu, người đứng đầu các chính phủ 28 nước Liên minh châu Âu (EU) cho biết thử thách lớn nhất vẫn nằm phía trước.

Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, phát biểu: “Rõ ràng là cơn thủy triều người tị nạn và di cư lớn nhất vẫn chưa đến”.

Ông Tusk cho biết các lãnh đạo EU đã nhất trí hỗ trợ thêm cho Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực, với hy vọng thuyết phục một bộ phận người chạy trốn xung đột và đói nghèo sẽ ở lại Trung Đông.

Cam kết 1 tỷ euro

Ông Tusk cho biết, EU sẽ, cùng với Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn và Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc, cam kết dành 1 tỷ euro cho khu vực Trung Đông.

Trong làn sóng người di cư đổ bộ lên bờ biển châu Âu mỗi ngày, một tỷ lệ lớn là từ Syria, nơi cuộc nội chiến kéo dài trong 4 năm rưỡi đã biến nhiều đô thị thành đống đổ nát và quét sạch kế sinh nhai ở nhiều khu vực.

Ngoài việc trợ giúp thêm cho các nước Trung Đông, ông Tusk cho biết các lãnh đạo EU họp ở Brussels đã nhất trí tăng cường bảo vệ biên giới ngoài cùng của EU.

Theo ông Tusk, các nhà lãnh đạo nhất trí “phải chấm dứt tình trạng hỗn loạn hiện nay ở biên giới phía ngoài của EU”.

Vẫn lời ông Tusk: “Sẽ không công bằng nếu đặt tất cả gánh nặng lên Italy, Hy Lạp và các nước khác”./.