Trong tuần qua, một nửa các nước châu Âu đã phải ban bố báo động cam (mức độ cao thứ 2) về nguy cơ nhiệt độ rất cao. Trong khi đó, tại các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Croatia, nhà chức trách đã phải ban bố báo động đỏ - mức báo động cao nhất - về tình trạng nhiệt độ cực cao.

ha_nhiet_asiz.jpg
Nắng nóng trên diện rộng ở châu Âu khiến người dân tìm tới các hồ nước để "hạ nhiệt". Ảnh: The Guardian

Những cơn gió nóng từ sa mạc Sahara mang theo nhiệt độ cao đỉnh điểm đã tấn công hàng loạt các nước châu Âu, đặc biệt các nước nằm trên bán đảo Iberia. Tại Pháp, nhiệt độ thực tế đo được tại 54 tỉnh, thành phố đã vượt mức 40 độ C. Một số thành phố tại Tây Ban Nha, nhiệt độ đã đạt 45 độ C. Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ kỷ lục đã được ghi nhận ở mức 46,8 độ C tại khu vực Alvega), phía bắc thủ đô Lisbon, vượt qua mốc nhiệt kỷ lục năm 1981 là 43 độ C.

Nắng nóng đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người dân châu Âu. 3 người đã thiệt mạng tại Tây Ban Nha vì nhiệt độ không khí quá cao. Cháy rừng bùng phát tại một số nơi ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Các khu vui chơi tại thủ đô Bồ Đào Nha đã phải đóng cửa tạm thời, trong khi nhà chức trách khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đồng thời mở cửa các trung tâm tiếp nhận người vô gia cư sớm hơn, nhằm giúp những người này có nơi tránh nóng.

Trong khi đó, một số tuyến đường cao tốc tại Hà Lan cũng phải tạm đóng cửa do mặt đường bắt đầu nóng chảy dưới sức nóng mặt trời. Tại Pháp, tập đoàn điện lực Pháp (EDF) đã phải tạm dừng hoạt động 4 nhà máy điện hạt nhân và giảm cường độ của một số nhà máy điện khác do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do nhiệt độ nguồn nước tại các sông quá cao, không đủ điều kiện để làm mát hệ thống./.