Theo EU, một loạt vụ tin tặc gần đầy nhằm vào hệ thống bầu cử như Mỹ hồi năm ngoái hay ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cho thấy rõ điều này. Chính phủ các nước như Anh và Đức mới đây đã gia tăng cảnh báo, trong bối cảnh năm 2017 này được xem là năm bầu cử tại châu Âu.

macron_hinh_anh_natb.jpg
Ông Macron lên án loạt vụ tin tặc tấn công nhằm vào ông. Ảnh: Reuters

Tối 5/5, ngay trước khi chiến dịch tranh cử Tổng thống tại Pháp kết thúc, hàng nghìn tài liệu nội bộ của nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên theo đường lối trung dung Emmanuel Macron ông đã bị phát tán trên mạng xã hội.

Nhóm vận động của ông Macron chỉ trích mạnh mẽ vụ rò rỉ, được gọi là MacronLeaks được trang mạng WikiLeaks tiết lộ này là một âm ưu nhằm “gây bất ổn nền dân chủ” như từng xảy ra đối với chiến dịch tranh cử tại Mỹ hồi năm ngoái.

Sự gia tăng các vụ rò rỉ thông tin  quy mô lớn đã đặt ra câu hỏi về an ninh đối với các cuộc bầu cử lớn sắp diễn ra thời gian tới, mà trước tiên là cuộc bầu cử đang diễn ra tại Pháp, sau đó là cuộc bầu cử Quốc hội tại Anh vào ngày 8/6 tới và tại Đức vào ngày 24/9 tới.

Theo giáo sư Joern Mueller Quade, thuộc Viện Công nghệ Karlsruhe, Đức, không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của an ninh mạng bởi tội phạm mạng có thể dẫn tới tê liệt toàn bộ nền kinh tế và chính trị của một nước.

“Nhắc tới chiến tranh mạng, người ta không chỉ nghĩ tới những vụ việc có quy mô lớn như mất điện trên toàn quốc, mà còn là những thứ như virus Stuxnet đã làm tê liệt các lò phản ứng hạt nhân của Iran.

Nhà máy không bị phá hủy ngay lập tức mà thay vào đó là một quy trình hoạt động không tốt và kết quả không như ý muốn. Một cuộc chiến tranh mạng có thể đẩy cả một nền kinh tế hoặc toàn bộ một quốc gia ra khỏi vùng sinh lợi của nó mà không hề nhận thấy rằng mình đang bị tấn công”.

Chuyên gia an ninh mạng Ewan Lawson thuộc Viện nghiên cứu quân đội Hoàng gia Anh thì cho rằng, khả năng một vụ tấn công nhằm vào các cuộc bầu cử ở Anh không phải “là phi thực tế”.

Người ta hoàn toàn có lý do để tin rằng sẽ xảy ra các vụ ăn cắp dữ liệu hay rò rỉ thông tin, nhất là khi hệ thống thông tin của các đảng phải chính trị rất dễ bị tấn công.

Để chống lại mối nguy cơ này, tháng 2 vừa qua, Chính phủ Anh đã thành lập Trung tâm an ninh mạng quốc gia, coi đây là một công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ đất nước chống lại các chiến dịch tấn công trên mạng.

Tháng 4 vừa qua, Trung tâm an ninh mạng quốc gia cũng đã mời các đảng phái chính trị Anh tham gia những buổi hội thảo về an ninh mạng nhằm giúp họ trang bị công cụ bảo vệ phù hợp nhất cho các cuộc bầu cử sắp tới.

Thủ tướng Anh Theresa May hồi đầu tuần cảnh báo, vấn đề không phải là biết cần phải làm gì khi có việc xảy đến, mà là biết thực hiện những biện pháp cần thiết để không ai có thể can thiệp vào tiến trình bầu cử.

Vấn đề đặt ra cũng tương tự ở Đức. Chính phủ nước này hồi cuối năm 2016 đã thông báo thành một một cơ quan an ninh mạng. Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Nội địa Đức Hans-Georg Maassen, ngày càng xuất hiệu nhiều những dấu hiệu dự báo nguy cơ các cuộc tấn công mạng nhằm vào các chính trị gia cũng như các thành viên Chính phủ Đức trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/9 tới.

Cơ quan này cũng một lần nữa nhắc lại sự kiện ứng cử viên đảng Dân chủ xã hội Martin Schulz từng là nạn nhân của 1 chiến dịch bôi nhọ cho rằng bố của ông này từng là chỉ huy một trại tập trung.

Trong quá khứ, nhiều vụ tấn công mạng quy mô lớn và các chiến dịch  “tin giả” cũng từng gây ảnh hưởng tới nước Đức như vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhằm vào hãng Deutsche Telekom của Đức hồi năm 2016, khiến khoảng 1 triệu hộ gia đình ở nước này không thể truy cập Internet trong nhiều giờ liền hay vụ hệ thống mạng của Quốc hội liên bang Đức bị tấn công từ một máy chủ đặt tại Israel.

Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, tội phạm trong không gian mạng là một thách thức không chỉ đối với riêng nước Đức, châu Âu, mà là một thách thức mang quy mô quốc tế./.