Hôm 14/2, Bộ trưởng Môi trường Anh, ông Owen Paterson cho biết, các bộ trưởng Liên minh châu Âu đã đồng ý để Cơ quan cảnh sát châu Âu phối hợp đối phó với vụ bê bối xung quanh vụ thịt ngựa giả thịt bò.

“Hôm qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp và tôi đã cùng thống nhất ý kiến, và chúng tôi nghĩ rằng, các thành viên khác của Liên minh châu Âu cũng đồng ý rằng, sẽ hữu ích khi có sự hợp tác với Cơ quan cảnh sát châu Âu,” ông Paterson nói. “Điều này sẽ giúp việc phối hợp thông tin và mang đến những nguồn thông tin khác nhau giữa các thành viên trong khối”.

Ông Paterson cũng nói thêm rằng, ông sẽ liên hệ với các đối tác trên khắp châu Âu để khuyến khích họ cung cấp thông tin cho những người điều tra.

Vụ việc thịt ngựa giả thịt bò vỡ lở tại Anh hồi tháng trước khi một số mẫu thực phẩm đông lạnh được dán mác thịt bò bày bán tại các siêu thị bị phát hiện có chứa thịt ngựa, món ăn mà người Anh luôn phản đối. Mặc dù hiện tại chưa có trường hợp nào bị phát hiện gặp nguy hiểm về sức khỏe do ăn thịt ngựa nhưng điều này vẫn khiến người tiêu dùng khắp châu Âu lo ngại do bị lừa dối.

Quan hệ giữa các nước cũng bắt đầu trở nên “nóng” hơn khi các cáo buộc liên tục được phát đi.Nhà chức trách Pháp cho rằng các lò giết mổ tại Rumania cùng các công ty kinh doanh tại Hà Lan và đảo Cyprus chính là những mắt xích trong chuỗi cung ứng, đưa thịt ngựa gắn mác thịt bò đi khắp châu Âu. Điều tra của Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và hàng tiêu dùng Pháp cho thấy một công ty chế biến thực phẩm của Pháp mua thịt đông lạnh từ một nhà cung cấp từ đảo Cyprus.

Nhà cung cấp ở đảo Cyprus thì đi mua từ một công ty thực phẩm Hà Lan. Còn công ty đến từ Hà Lan này lại nhập thịt từ 2 lò giết mổ ở Rumania. Sau đó Công ty thực phẩm của Pháp lại bán thịt cho một nhà máy ở Luxembourg thuộc sở hữu của tập đoàn Comigel, Pháp. Và cuối cùng thịt được chế biến và bán ra khắp châu Âu dưới thương hiệu của Findus, một công ty tại Thụy Điển.

Trước bê bối thịt bò rởm lan rộng, các nhà chức trách châu Âu ngày 13/2 đã có cuộc họp tại Brussels, Bỉ nhằm thảo luận về các giải pháp cho vụ việc. Vụ việc còn trở nên nghiêm trọng hơn khi có một số thông tin cho rằng, trong thịt ngựa, vốn là một loại thịt có thể ăn được, có chứa thuốc kháng sinh, kháng viêm được dùng để hỗ trợ nuôi ngựa song bị cấm sử dụng trên các loại động vật được nuôi để lấy thịt cho người sử dụng./.