Tại Anh và Tây Ban Nha đã nổ ra những cuộc biểu tình phản đối hành động quân sự tại Syria trong khi Chính phủ của Thủ tướng Anh David Cameron sẽ đưa kế hoạch mở rộng chiến dịch không kích IS từ Iraq sang Syria ra Quốc hội trong tuần này.            

Hàng nghìn người cuối tuần qua đã tập trung trên các đường phố ở thủ đô London, Anh, biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ mở rộng chiến dịch không kích chống phiến quân khủng bố IS đang thực hiện tại Iraq sang Syria. 

_86930663_susan_marthsydenham_lvwo.jpg
Người dân London, Anh giơ cao khẩu hiệu "không ném bom Syria". (ảnh: BBC).

Những người biểu tình giơ cao những khẩu hiệu “không ném bom Syria” hay “không đổ thêm dầu vào lửa”… Nhà hoạt động của Liên minh ngăn chặn chiến tranh Lindsey German cho rằng, dù bọn khủng bố đã gây ra thảm kịch ở thủ đô Paris (Pháp), song một chính phủ có trách nhiệm sẽ hành động theo cách có trách nhiệm chứ không chỉ đơn giản là tuyên bố ném bom.

Bà Lindsey German kêu gọi Chính phủ Anh tránh vấp phải sai lầm tương tự đã từng làm trong cuộc chiến tại Iraq: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc Thủ tướng Anh David Cameron đưa kế hoạch không kích Syria ra trước Quốc hội. Trong hơn một năm qua, đã có nhiều lực lượng không kích IS tại Syria và hiện nay 2 cường quốc quân sự lớn nhất là Mỹ và Nga đã đều can thiệp quân sự tại đây”.

Dự kiến, kế hoạch không kích IS của Anh tại Syria sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội sớm nhất trong tuần này. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng David Cameron tuyên bố sẽ không đưa vấn đề ra bỏ phiếu nếu không chắc chắn nó sẽ được thông qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon ngày 29/11 cũng thừa nhận, Chính phủ của Thủ tướng David Cameron vẫn chưa hội đủ sự ủng hộ từ các nghị sĩ Hạ viện để thông qua kế hoạch oanh kích các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria. Theo ông, kế hoạch sẽ khó được thông qua nếu như Công đảng đối lập yêu cầu các nghị sĩ của họ bỏ phiếu chống.

Trong khi đó, Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn, người phản đối các cuộc không kích, cho biết ông vẫn chưa quyết định có để các nghị sĩ Công đảng bỏ phiếu tự do hay không. 

Thủ lĩnh Công đảng Corbyn cũng đứng trước sức ép lớn khi vấn đề không kích tại Syria đang gây chia rẽ trong nội bộ đảng này. Thậm chí, một số nghị sĩ Công đảng đe dọa sẽ từ chức nếu bị buộc phải bỏ phiếu chống và một số khác lại phó mặc thủ lĩnh Corbyn giải quyết vấn đề.

Hàng nghìn người cũng đã biểu tình tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để phản đối các hành động quân sự tại Syria, dù chính phủ nước này chưa công bố bất cứ kế hoạch can thiệp quân sự nào tại Syria.

Cuộc biểu tình diễn ra khi mà chưa đầy một tháng nữa Tây Ban Nha bước vào cuộc tổng tuyển cử. Những người biểu tình cảnh báo không nên để Tây Ban Nha trở thành mục tiêu tấn công của các tay súng Hồi giáo cực đoan.

Một cư dân Madrid nói: “Tôi ở đây tham gia biểu tình bởi vì tôi không thích chiến tranh. Tôi cho rằng bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực. Bạo lực không phải là biện pháp để giải quyết vấn đề”.

Câu hỏi “nên hay không nên” can thiệp vào tình hình Syria đang nổi lên tại khắp châu Âu, nhất là sau loạt vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris do IS tiến hành, làm hơn 130 người thiệt mạng. Trước đó, vụ rơi máy bay Nga tại Bán đảo Sinai của Ai Cập sau khi Nga can thiệp tại Syria được cho là hành động đáp trả của IS, đã làm dấy lên lo ngại về làn sóng bạo lực trả đũa trên khắp châu Âu.

Tại Tây Ban Nha, nhiều người lo sợ thảm kịch tái diễn tương tự như vụ đánh bom tàu hỏa do Al-Qaeda thực hiện tại Madrid năm 2004, khiến hơn 190 người thiệt mạng. Người Tây Ban Nha đến nay vẫn cho rằng vụ tấn công đẫm máu này là hành động trả đũa của Al- Qaeda vì Tây Ban Nha can thiệp quân sự vào cuộc chiến tại Iraq./.