Trong thông báo đưa ra trong ngày 21/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo, làn sóng dịch Covid-19 mới do biến thể Omicron gây ra sẽ không sớm kết thúc và sau khi thảo luận với lãnh đạo 16 bang tại Đức, chính phủ Đức sẽ áp dụng một loạt các biện pháp hạn chế mới, chính thức có hiệu lực từ tuần sau, muộn nhất là từ ngày 28/12.

Theo các quy định mới, các cuộc gặp gỡ riêng tư không được có quá 10 người, bất kể những người này đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay đã có miễn dịch sau khi mắc Covid-19 hay chưa. Trong trường hợp có 1 người chưa tiêm vaccine, cuộc gặp đó chỉ được phép giới hạn giữa các thành viên trong cùng gia đình.

Một thay đổi đáng chú ý khác là từ ngày 28/12, toàn bộ các sự kiện tập trung đông người, như các trận thi đấu thể thao, các buổi trình diễn văn hóa hay các buổi hòa nhạc sẽ không được phép có khán giả. Các câu lạc bộ thể thao sẽ phải đóng cửa. Tất cả các hoạt động bắn pháo hoa mừng năm mới sẽ bị hủy bỏ.

Giải thích cho việc chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế mới sau lễ Giáng sinh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng các nghiên cứu khoa học cho thấy các sự kiện có tính chất gia đình như Giáng sinh hay Phục sinh không khiến virus lây lan nhanh vì các gia đình đều thận trọng, nhưng các sự kiện tập trung đông người sẽ tạo ra nguy cơ rất lớn, đặc biệt là các buổi lễ đón mừng năm mới.

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn biến thể Omicron lây lan trong dịp lễ cuối năm, chính quyền Đức cũng đang gấp rút chuẩn bị một số biện pháp quyết liệt khác cho đầu năm 2022, trong đó có quy định tiêm vaccine bắt buộc cũng như kịch bản tái phong tỏa toàn quốc.

Ngoài Đức, một số nước châu Âu khác cũng đang gấp rút ban hành thêm một số hạn chế trước thềm Giáng sinh. Phần Lan đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các nhà hàng trước 22h và kể từ ngày 28/12, sẽ đóng từ 18h. Các biện pháp tương tự cũng đã được áp dụng tại CH Ireland, Bồ Đào Nha và Đan Mạch.

Về tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại châu Âu, trong ngày 21/12, Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO đã phát báo cáo cho biết, chỉ trong 1 tuần qua, châu Âu có thêm 2,6 triệu ca mắc Covid-19 mới và 27.000 ca tử vong. Đây là mức tăng 40% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Hiện biến thể Omicron đã là biến thể vượt trội tại một số nước như Anh, Đan Mạch và Bồ Đào Nha và dự kiến sẽ là biến thể áp đảo tại châu Âu trong 2 tuần tới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan nhanh tại Australia với hơn 5.500 ca bệnh mới phát hiện trong 24 giờ qua, hôm nay (22/12) chính quyền liên bang của nước này vẫn không thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong lúc đề nghị người dân tự giác thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình.

Phát biểu sau cuộc họp Nội các liên bang mở rộng ngày hôm nay, Giám đốc Y tế Australia Paul Kelly cho biết, cho đến lúc này, Australia ghi nhận ít nhận 500 ca mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên đây là con số thống kê chưa đầy đủ vì chỉ tính riêng bang New South Wales, nơi dịch đang lây lan nhanh thì có tới 60% số ca mắc mới trong những ngày qua mang biến thể Omicron. Giáo sư Paul Kelly cũng cho hay, mặc dù đang lây lan nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi nhưng người bệnh mang biến thể này lại có triệu chứng nhẹ. Hiện tại, tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 tại Australia có tăng nhưng chưa đến mức báo động.

Mặc dù đang chịu sức ép từ các chuyên gia y tế và chính quyền các bang song hôm nay, chính phủ liên bang Australia vẫn từ chối thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và chuyển quyền quyết các vấn đề nhạy cảm cho chính quyền bang hay các chuyên gia y tế để tránh làm người dân thất vọng, gây tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm tới

Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, việc ban hành quy định đeo khẩu trang ở trong không gian kín thuộc thẩm quyền của chính quyền các bang, trong khi đó, chính quyền liên bang khuyến khích người dân đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình: “Việc đeo khẩu trang ở bên trong các tòa nhà, cửa hàng ở nơi công cộng rất được khuyến khích. Cho dù có phải quy định buộc mọi người phải thực hiện hay không thì mọi người cũng nên làm điều này. Mặc dù không có quy định hoặc yêu cầu phải đeo khẩu trang nhưng đây là lời khuyên của các chuyên gia y tế”.

Về đề nghị rút ngắn khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 2 với mũi tăng cường xuống dưới 5 tháng, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của các chuyên gia y tế và khi các chuyên gia chưa cập nhật khuyến cáo mới thì Australia sẽ vẫn giữ nguyên khoảng cách tiêm mũi tăng cường sau khi tiêm mũi thứ 2 là 5 tháng như thông báo trước đó. Trong lúc này, chính quyền liên bang Australia vẫn tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm chủng, trong đó bao gồm cả tiêm mũi tăng cường với những người đủ điều kiện và cho đối tượng trẻ em từ 5 đến 11 tuổi để tăng độ bao phủ của vaccine.

Trong bối cảnh các ca Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh ở Australia với hơn 5.500 ca mới phát hiện trong 24 giờ qua song chính quyền liên bang lại không thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chính quyền một số bang và vùng lãnh thổ tại Australia như Vùng lãnh thổ thủ đô Canberra, bang Nam Australia và Queensland đã bổ sung thêm biện pháp như yêu cầu đeo khẩu trang ở bên trong các khu vực không gian kín ở nơi công cộng. Trong khi đó, bang Tây Australia, mặc dù vẫn đang đóng cửa biên giới với phần còn lại của Australia và thế giới nhưng vừa trở thành địa phương đầu tiên ở nước này quyết định với những người lao động phải bắt buộc tiêm chủng đầy đủ mới được đi làm thì chỉ khi tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa Covid-19 mới được coi là tiêm chủng đầy đủ./.